Dân Việt

Phù sa tình người nơi rốn lũ Lào Cai

Huệ Tâm 08/08/2016 09:18 GMT+7
Từ lúc chạm chân vào cửa ngõ Lào Cai, dọc đường chúng tôi đi, đâu đâu cũng vàng quạch một màu của phù sa. Bùn ngập những lối đi, thềm nhà. Bùn phủ kín những ruộng nương, ao cá… Cả những chị người Mông địu con tóc rối đến những cậu nhóc lang thang vớt vát những thanh củi nhỏ bên bờ suối vẫn đang cuồn cuộn chảy, quần áo cũng bết 1 màu bùn đất.

Nhưng trái với cái đơn điệu lạnh lùng của bùn đất, dọc con đường trơn trợt, nhiều đoạn còn ngập lút bánh xe của chúng tôi vào Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai) – một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lịch sử này tại Lào Cai lại khá tấp nập. Xe tải, xe máy, thậm chí cả những chiếc taxi trắng muốt cũng đè bùn đi vào trung tâm xã. Tất cả, đều hối hả mang theo hàng cứu trợ khẩn cấp.

Và hình như, không ai quên gật đầu cười với mấy anh công an và mấy bạn thanh niên đang ròng ròng mồ hôi dọn bùn ven đường.

img

Đường vào xã Phìn Ngan nhão nhoét bùn, đất.Ảnh: Huệ Tâm

Sau mấy ngày mưa lũ, Lào Cai nắng chói chang. Điều này khiến việc khắc phục hậu quả thuận lợi hơn nhưng mồ hôi người túa xuống cũng nhiều hơn. Tại trụ sở UBND xã Phìn Ngan, điểm tiếp nhận hàng cứu trợ và phát đi các thông tin thiệt hại đang liên tục cập nhật chỉ toàn mùi quần áo mồ hôi khét mù và mùi bùn tanh nồng. Không chỉ thanh niên trai tráng, nhiều em nhỏ cũng giúp các đoàn vận chuyển hàng.

Cách 1 con suối, phía bên kia là 1 thôn bị cô lập. Nước đã rút khá nhanh nhưng suối vẫn đỏ ngầu giận dữ. Địa phương và người dân đã làm tạm 1 chiếc ròng rọc để vận chuyển hàng qua suối và 1 chiếc cầu tạm bắc qua đoạn sâu nhất của suối để có thể tiếp tế đồ cho bà con ở phía bên kia.

Để sang được bên đó trao quà trực tiếp cho 8 hộ dân đã mất nhà được di chuyển xuống ở nhờ các hộ gia đình bên bờ suối, chúng tôi phải đi qua chiếc cầu tạm đó và đi bộ ngang lòng suối, đoạn nước, đoạn khô bỏng lỏng chỏng những thân cây bị quật ngã và trôi từ thượng nguồn xuống. Đoạn đường không xa nhưng khó đi và ngược dốc trơn trượt, nhão nhoét bùn, cộng với mỗi bao hàng cứu trợ nặng khoảng 10kg khiến chân ai cũng như đeo chì.

Cụm nhà dân chúng tôi đến im lặng đến lạ thường. Những đứa trẻ thập thò trong căn nhà tối om, trống hoác. Đàn ông đã vượt suối đi nhận đồ cứu trợ hoặc tủa đi tìm người mất tích, chỉ còn một nhóm phụ nữ ngồi thẫn thờ bên bậu cửa. 2 trong số đó đang ngồi cạnh nhau khóc, những người khác mắt cũng đỏ hoe.

img

img

Người dân tại TP Lào Cai hỗ trợ các đoàn từ thiện chuyển quà đến tay người dân ở thôn thiệt hại nặng nhất.

Hỏi chuyện mới biết, 2 người phụ nữ này đều có con đang mất tích. Họ khóc, giọng đã khản đặc… Chúng tôi chỉ dám lặng lẽ trao những bao quà, lặng lẽ ngồi cạnh một chút rồi lặng lẽ đi… bởi không biết phải nói và động viên điều gì. Theo tiếp sau chúng tôi, có nhiều đoàn nữa đến. Nhưng không ồn ào, họ cũng lặng lẽ đứng đợi ở trước hiên nhà và tuần tự vào thăm.

Chúng tôi trở về, ngồi ngay bên bờ suối và ăn tạm chút cơm nắm muối vừng mà một số anh chị quen thân ở TP. Lào Cai đã chuẩn bị cho khi biết tin chúng tôi lên cứu trợ lũ. Lúc đó đã 1h chiều nhưng vẫn liên tục có những đoàn đến và đi, phần lớn trong số họ đều chưa ăn uống gì. Một bạn phụ nữ trẻ mặt đỏ phừng, vừa quệt mồ hôi vừa nói chuyện với chúng tôi: “Nhà em ở ngoài huyện, ao cá, vườn cây, đồ đạc cũng bị cuốn sạch rồi. Nhưng bố em bảo: “Còn người còn của, phải đi cứu trợ cho những vùng thiệt hại người trước đã”. Thế là 3 ngày nay, nhà cửa vẫn để đó, 3 bố con em tủa đi các điểm thiệt hại nặng nề hơn để hỗ trợ bà con”. Chị kể, đoàn của chị vừa đi vào được đến điểm gần như xa nhất của thôn bị cô lập Sùng Hoảng. Đi bộ vào đó mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nói xong, chị lại tất tả đi sang điểm khác.

img

Bữa trưa vội vàng của đoàn thiện nguyện. Ảnh: Huệ Tâm

Trường hợp của chị bạn trong câu chuyện vội vàng đến nỗi tôi chưa kịp cả hỏi tên kia không phải là quá hiếm. Bên cạnh một số tổ chức cá nhân từ Hà Nội và các nơi khác đến, phải khẳng định lực lượng thiện nguyện tại chỗ của Lào Cai hoạt động rất hiệu quả. Ngay từ khi mưa chưa ngớt, nhiều điểm còn cô lập, nhiều tổ chức thiện nguyện và các cá nhân có lòng hảo tâm của Lào Cai đã không ngại hiểm nguy tiếp tế lương thực, quần áo cho đồng bào những vùng bị cô lập. Tất nhiên, phần lớn trong số họ, đều bị thiệt hại trong trận lũ, ngập lịch sử này.

Đó là về phía người cho. Còn người nhận?

Điện mất, gạo nước và đồ đạc trôi hết. Tài sản còn lại của phần lớn người dân ở các điểm rốn lũ này là... 1 bộ quần áo bết bùn đất mặc trên người. Nhưng hàng cứu trợ đến, tuyệt nhiên không có 1 sự chen lấn, xô đẩy nào. Thậm chí, có những người khi được phát quà, đã lắc đầu từ chối “Nhà chú thiệt hại ít thôi và cũng đã được nhận quà đủ rồi. Để dành phần đó cho nhà khác”.

Vội vã đến và vội vã đi, chúng tôi chia tay Lào Cai khi ngược đường mình vẫn còn tấp nập những đoàn xe cứu trợ. Những “cánh đồng” bùn cát quạch vàng ngút tầm mắt có lẽ phải mất rất nhiều thời gian, mồ hôi và công sức mới có thể xanh trở lại. Nhưng tôi tin rằng sau trận lũ lịch sử này, tình người sẽ đẹp hơn vì những lớp phù sa đang được bồi đắp từng ngày.