Dân Việt

Chợ Kim Biên (TP.HCM): Không để “tử thần” án ngữ khu dân cư

Thanh Xuân (thực hiện) 09/08/2016 06:40 GMT+7
Ngày 6.8, chợ hoá chất Kim Biên (TP.HCM) đã xảy ra vụ nổ axit làm 4 người bỏng nặng. Vụ việc lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mua bán, vận chuyển, sử dụng... hoá chất nguy hiểm, độc hại tràn lan. Về vấn đề này, NTNN - Dân Việt có cuộc phỏng vấn ông Phùng Hà (ảnh) – nguyên Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương).

img

Ông Phùng Hà (ảnh) – nguyên Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương)

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng mua bán, kinh doanh… hoá chất hiện nay?

- Hàng loạt các hoạt động quản lý hóa chất đã được triển khai từ ứng phó sự cố hóa chất, quản lý rủi ro hóa chất, hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất, khai báo hóa chất, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất, quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm… đã được ban hành. Tuy nhiên, nếu các cơ quan quản lý không vào cuộc một cách quyết liệt, các cơ sở hoạt động hóa chất còn chưa nhận thức được một cách đầy đủ và tự giác những nguy cơ có thể xảy ra thì những vụ nổ thương tâm như vừa qua sẽ còn tiếp diễn.

img

Cảnh mua bán tại chợ hoá chất Kim Biên (TP.HCM). I.T

Trên thế giới, có thể nói, ít có ở đâu tồn tại chợ hóa chất giữa trung tâm thành phố, giữa khu dân cư như ở nước ta. Trong giai đoạn đầu, chưa thể xóa bỏ thì cần phải quản lý chặt chẽ việc kinh doanh hóa chất, nhất quyết không để xảy ra những tai nạn do thiếu hiểu biết và liều lĩnh gây ra”.

 Nguyên Cục trưởng
Cục Hoá chất Phùng Hà

Chợ Kim Biên lâu nay được người dân TP.HCM ví là khu chợ “thần chết” vì buôn bán nhiều hoá chất độc hại nhưng lại án ngữ ngay giữa trung tâm TP.HCM, theo ông đây có phải là bất cập?

- Sau vụ việc đáng tiếc vừa qua, việc di dời chợ Kim Biên ra khỏi khu dân cư là việc đầu tiên cần làm ngay. Ngoài ra, việc di dời hoặc đóng cửa các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất nguy hiểm nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc cũng cần phải thực hiện ngay. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu. Vấn đề quan trọng hơn là phải quản lý được các loại hóa chất bày bán tại đây vì nếu vẫn mua bán hóa chất để sử dụng vào thực phẩm hay sử dụng không đúng mục đích thì rất nguy hại.

Thực tế là văn bản pháp quy đã đủ cả nhưng việc mua bán hoá chất độc hại như axit chẳng hạn rất dễ dàng, chẳng khác gì mua mớ rau ngoài chợ, từ đó, dẫn tới những vụ trả thù, tai nạn thương tâm. Theo ông, làm sao để ngăn chặn tình trạng này?

- Đúng là các loại hóa chất độc, nguy hiểm, không nhãn mác, hóa chất gây hại tới sức khỏe con người khi sử dụng vào thực phẩm, thậm chí là hóa chất dùng để điều chế thuốc nổ hay trả thù vì mâu thuẫn dễ dàng mua được tại các chợ là vô vùng nguy hiểm, gây ra hậu quả khó lường.

Có nhiều hóa chất được điều chỉnh đồng thời bởi các quy định khác nhau, thí dụ axit sunfuric cần phải quản lý theo các quy định về hóa chất là tiền chất ma túy sử dụng trong công nghiệp, đồng thời quản lý như một hóa chất độc, cụ thể khi kinh doanh hóa chất này ngoài các quy định về quản lý hóa chất nói chung, khi mua bán phải có chứng minh thư, phải có địa chỉ rõ ràng, phải có hợp đồng mua bán, phải có phiếu kiểm soát mua bán, phải lưu địa chỉ của người mua. Nếu các cơ sở làm được vậy chắc chắn sẽ không xảy ra những sự cố hóa chất tai hại như vừa qua.

Xin cảm ơn ông!