Dân Việt

Đại án tại VNCB: Tiết lộ sơ đồ dòng tiền 5.190 tỷ

Minh Anh 09/08/2016 10:55 GMT+7
Tại tòa, đại diện của nữ doanh nhân Trần Ngọc Bích đã tung bằng chứng “tố” Ngân hàng Xây dựng (VNCB) che giấu thông tin. Người đại diện này đồng thời cũng cung cấp sơ đồ dòng tiền...

Trong phiên xét xử ngày 5.8, bà Trần Ngọc Bích có việc gia đình nên bà Nguyễn Thanh Thảo được cử làm người đại diện. Bà Thảo đã trả lời các câu hỏi chất vấn của luật sư Phan Trung Hoài - luật sư của bị cáo Phạm Công Danh.

Đại diện của bà Trần Ngọc Bích cho rằng: HĐQT Ngân hàng Xây dựng đã đồng ý tất toán khoản vay của bà Bích nhưng sau đó lại lén lút chuyển tiền ra khỏi tài khoản mà không có chữ ký của chủ tài khoản. Và việc thất thoát này là việc của Ngân hàng Xây dựng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm, không liên quan đến bà Bích.

img

Sơ đồ dòng tiền của bà Trần Ngọc Bích giao dịch với Ngân hàng Xây dựng.

Giải thích sơ đồ:

Mục số 1: 17 người trong đó có bà Bích gửi tổng cộng 5.880 tỷ (124 sổ tiết kiệm). Số sổ này Ngân hàng Xây dựng vẫn giữ và không gây tranh cãi.

Mục số 2: 14 người trong số đó vay 5.190 tỷ để kinh doanh. Việc này có giấy tờ đầy đủ và khoản vay hợp lệ. Vì thủ tục duyệt vay rất phức tạp và kéo dài, nên khi được Ngân hàng đồng ý là những người này triển khai ngay. Mặc dù thời điểm đó, dự án cần đầu tư chưa phải sử dụng đến tiền.

Mục số 3: Sau khi vay được 5.190 tỷ, nhóm bà Bích lập tài khoản ở Ngân hàng Xây dựng để cất giữ tiền. Khoản tiền này được gửi kì hạn 2 tháng tại ngân hàng.

Mục số 4: Ngày 21.4.2014, đến hạn phải trả khoản tiền ở mục 2, bà Bích đã đến Ngân hàng Xây dựng và làm thủ tục tất toán. Khoản tiền bà Bích dùng để trả nợ chính là khoản tiền bà Bích đang cất giữ trong ngân hàng ở mục 3. Nhưng, lãnh đạo VNBC viện lý do là ngân hàng đang bị thanh tra nên không thể tất toán.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNBC đồng ý kí biên bản ngày 22.4.2014 với bà Bích xem như chấp thuận việc tất toán, không tính thêm lãi cho khoản vay ở mục 2. VNBC sau đó cũng ra nghị quyết về việc này.

Như vậy, thông qua sơ đồ dòng tiền do bà Nguyễn Thanh Thảo cung cấp, có thể thấy rằng, bà Bích đã tất toán khoản tiền 5.190 tỷ với Ngân hàng Xây dựng. Tài sản còn lại của bà còn nằm ở ngân hàng Xây dựng chính là 124 cuốn sổ tiết kiệm.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay còn 2.100 tỷ đồng VNCB không thu hồi được.