Dân Việt

Năm nay, bão sẽ đổ bộ nhiều vào khu vực nào của nước ta?

Đình Thắng (thực hiện) 10/08/2016 10:43 GMT+7
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ nay đến cuối năm, nước ta khả năng còn chịu 6-8 cơn bão nữa. Vậy bão sẽ ảnh hưởng cụ thể ra sao tới nước ta? Phóng viên NTNN/Dân Việt đã trao đổi với TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc trung tâm.

Phát biểu tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1, số 2 tổ chức ngày 8.8, ông có đưa ra nhận định, dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn 6-8 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó có một số cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Xin ông cho biết cụ thể hơn về những nhận định này?

 

- Hiện nay khí quyển - đại dương toàn cầu đang ở trạng thái trung tính, chuyển từ pha nóng (El Nino) sang pha lạnh (La Nina), khả năng cao xuất hiện La Nina cường độ trung bình tới yếu trong các tháng cuối năm 2016. Hệ quả của quá trình chuyển pha ENSO (từ trung tính sang La Nina) đối với thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016 là khả năng mùa bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm, mưa lũ xuất hiện với tần suất và cường độ cao hơn năm 2015, đặc biệt khu vực miền Trung. Bão, ATNĐ có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn trên các khu vực giữa và Nam Biển Đông và khu vực Trung Bộ - Nam Bộ so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Các cơn bão xuất hiện nhiều hơn trong thời kỳ từ nay đến cuối năm, cụ thể vẫn còn 6-8 cơn hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

img

Cơn bão số 1 đổ bộ vào Việt Nam đã gây thiệt hại rất lớn mặc dù đã được dự báo từ trước. Ảnh: I.T

Để xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển bão chính xác hơn, chúng tôi kiến nghị Bộ TNMT và Chính phủ quan tâm đầu tư hệ thống dự báo hiện đại và xem xét đến khả năng thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa”.

TS Hoàng Đức Cường

Vậy tình hình mưa lũ từ nay đến cuối năm ở các khu vực trên cả nước có gì đáng lưu ý không, thưa ông?

- Ở Bắc Bộ, dù đã xảy ra vài đợt mưa trước đó rồi, nhưng đợt mưa vừa qua là đáng kể nhất từ đầu mùa đến nay, đó là dấu hiệu cho chúng ta biết rằng, mùa mưa ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ mới chỉ bắt đầu và còn đang ở phía trước, mùa mưa sẽ kéo dài đến giữa tháng 10 mới kết thúc. Năm nay dự báo mưa đến muộn, tức là sẽ có các đợt lũ muộn xảy ra đến tháng 10. Đối với Bắc Trung Bộ, mùa mưa có thể kéo dài đến tháng 12.

Cụ thể, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong các tháng 8, 9.2016 ở mức cao hơn TBNN, các tháng 10 và 11.2016 ở mức thấp hơn TBNN, riêng tháng 12.2016 có thể thiếu hụt từ 20-40%. Từ tháng 8 đến tháng 10, trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất  hiện từ 2-3 đợt lũ. Đỉnh lũ cao nhất năm trên các sông Bắc Bộ phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2015, xuất hiện trong tháng 8.2016. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, ngập úng tại các vùng trũng và các đô thị, lũ quét, sạt lở có khả năng xảy ra tương đương năm 2015, đặc biệt ở các khu vực vùng núi phía Bắc.

img

TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư.

Lượng mưa ở Trung Bộ trong các tháng 9-11.2016 ở mức cao hơn TBNN. Mùa lũ năm 2016 trên các sông ở khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện muộn hơn so với TBNN. Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông đều cao hơn đỉnh lũ năm 2015. 

Mùa lũ năm 2016 trên các sông ở Tây Nguyên xuất hiện muộn hơn so với TBNN. Đỉnh lũ năm 2016 trên sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10 và ở mức báo động 1 và 2, cao hơn năm 2015. Tuy nhiên vào các năm, sau El Nino thường xuất hiện lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như các năm 2000, 2001, 2002 (sau El Nino mạnh 1997/1998).

 Nhiều ý kiến cho rằng công tác dự báo 2 cơn bão vừa qua chưa sát với thực tế và cần rút kinh nghiệm, vậy theo ông để nâng cao năng lực dự báo, ngành dự báo cần làm gì?

- Chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá lại công nghệ dự báo bão hiện có và nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong dự báo bão bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn và tốt hơn các sản phẩm dự báo hiện có của Việt Nam khi bão vào Biển Đông. Xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ mô hình dự báo bão chuyên dụng. Đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên ở Trung ương, các đài khí tượng thủy văn khu vực và đặc biệt là ở các đài khí tượng thủy văn tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn cho các địa phương thường xuyên có bão và các loại thiên tai khác. Cải tiến nội dung các bản tin dự báo bão theo hướng chi tiết và rõ ràng hơn.

Đồng thời, Trung tâm kiến nghị Bộ TNMT và Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm tăng cường số liệu bão trên biển với hệ thống hiện đại và xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển bão chính xác hơn.

Xin cảm ơn ông!