Đó là thông tin ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định về thực trạng ngành chăn nuôi trong nước tại buổi họp báo giới thiệu Hội chợ triển lãm Vietstock năm 2016.
Theo ông Dương, lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân đạt 4,5-5%/năm. Tổng sản lượng thịt của Việt Nam năm 2015 là 4,8 triệu tấn, tổng sản lượng sữa đạt 723,2 nghìn tấn, sản lượng trứng các loại đạt 8,87 tỷ quả.
So với cùng kỳ năm 2015, 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng thịt của cả nước đạt gần 3,65 triệu tấn (tăng 5.3%), tổng sản lượng sữa tươi đạt 492,7 nghìn tấn (tăng 9%), sản lượng trứng các loại gần 6.62 tỷ quả (tăng 5,5%).
Chất cấm, kháng sinh vẫn là mối lo ngại lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Còn về vấn đề quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bước đầu đạt được kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, qua kiểm tra năm 2015, phát hiện có 2,5% mẫu thức ăn trong các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và 3,5% mẫu thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi có chất cấm. Đến nay, qua kiểm tra không còn phát hiện mẫu thức ăn chăn nuôi nào có chứa chất cấm.
Đối với mẫu nước tiểu lợn tại các trang trại chăn nuôi và lò mổ: năm 2015 phát hiện 16,7% mẫu có dương tính với chất cấm; đến tháng 5.2016 còn 2,2% mẫu dương tính với chất cấm. đến tháng 6 và tháng 7.2016 không còn phát hiện mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm.
Ông Dương nhấn mạnh, trong năm 2016 cũng có những trọng tâm quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Trong đó, cao trào nhất là cách đây nửa năm nổi lên vấn đề chất cấm trong chăn nuôi. Nhưng khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng phát động thì các bộ ngành, chính quyền địa phương vào cuộc rất nhanh.
Sau 5-6 tháng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được vấn đề chất cấm trong chăn nuôi. Đây là kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn rất nhiều bởi vàng ô, salbutamol là chất dùng trong công nghiệp nên chỉ cần cơ quan chức năng không quyết liệt là dân lại tái sử dụng.
“Nếu chúng ta không có sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn thì nguy cơ sẽ mất đi thị trường trong nước. Còn với thị trường hội nhập, nếu sản phẩm vẫn còn chất cấm, kháng sinh thì chúng ta rất khó cạnh tranh”, ông Dương nhận định.
Cũng theo ông Dương, hội chợ triển lãm Vietstock năm 2016 với chủ đề “Nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi” diễn ra trong thời gian tới sẽ là nơi để các doanh nghiệp, hiệp hội giới thiệu những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của thế giới để phục vụ cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Bên cạnh đó, giải thưởng Vietstock sẽ tôn vinh, khích lệ những tổ chức có bước tiến vượt bậc cũng như đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của ngành chăn nuôi Việt Nam.