Dân không hề biết đến khoản tiền hỗ trợ
Hai ngày nay (ngày 8 và 9.8), hàng trăm hộ dân trú tại xã Ia Hlốp đã tập trung cả ngày tại trụ sở UBND xã để yêu cầu lãnh đạo xã giải thích về việc cấp sai tiền hỗ trợ hạn hán cho người dân trên địa bàn.
Ông Trần Quốc Cường (trú thôn 2, Ia Hlốp) cho biết, gia đình ông có 3 ha cà phê. Đợt hạn hán vừa qua đã làm 2ha cà phê nhà ông bị chết. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, gia đình ông chưa nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào theo chủ trương của Nhà nước. Thậm chí ông và rất nhiều gia đình khác trong thôn có cà phê, tiêu… bị thiệt hại trong đợt hạn hán vừa qua đều không biết gì về thông tin hỗ trợ của Nhà nước.
Cũng giống như ông Cường, hộ ông Đào Đại Đăng Quang (trú thôn 2) cho biết, gia đình ông có 1,3ha cà phê, trong đó 1 sào cà phê chết trắng, 1,2ha còn lại bị mất từ 30-70%, nhưng gia đình ông đến nay vẫn chưa nhận được một đồng tiền hỗ trợ nào.
Ông Trần Văn Hùng (làng Tol) có 8 sào cà phê mất trắng, 2,2ha bị ảnh hưởng trên 30%, nhưng không hề biết gì về thông tin hỗ trợ của Nhà nước.
Hàng trăm nông dân xã Ia Hlốp kéo nhau lên trụ sở UBND xã truy việc chi tiền hỗ trợ hạn hán.
Nhiều hộ dân cho biết, không chỉ việc chi trả tiền hỗ trợ hạn hán bị “ỉm” mà tiền hỗ trợ nạo vét giếng và ao, hồ cũng được cấp sai đối tượng. Theo người dân, phần lớn những người được cấp tiền hỗ trợ là bà con của cán bộ xã và trưởng thôn.
“Trong danh sách được nhận hỗ trợ tiền nạo vét giếng và ao, hồ phần lớn là bà con của cán bộ trong xã và trưởng thôn. Như ông Nguyễn Văn N là cột chèo với ông cán bộ thủy lợi của xã, ông này ở tận huyện Chư Pưh những vẫn nằm trong danh sách được nhận. Trong danh sách có 55 hộ thì có hơn 20 hộ là bà con của cán bộ, còn lại là danh sách khống họ tự lập nên. Trong khi đó dân trong thôn chúng tôi có hơn 400 hộ đều nằm trong diện được hỗ trợ thì không ai hay biết gì”, những hộ dân thôn 2 bức xúc cho biết.
Theo các hộ dân, chỉ khi “việc ăn chia” của những người đã được nhận không công bằng, thông tin mới lọt ra ngoài và dân mới biết về khoản tiền hỗ trợ trên. Vì vậy họ kéo nhau lên trụ sở UBND xã để đòi câu trả lời chính xác.
Dân kéo nhau lên xã đòi quyền lợi.
Tại dân không khai báo?
Theo văn bản ông Lê Sỹ Quý - Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp - cung cấp cho PV Dân Trí danh sách cán bộ Địa chính - nông nghiệp báo cáo lên xã đợt hạn hán vụ Đông xuân năm 2015-2016, toàn xã có 753 hộ với tổng diện tích cây cà phê, hồ tiêu bị ảnh hưởng là hơn 514ha.
Theo quy định, diện tích cà phê, hồ tiêu bị mất trắng được Nhà nước hỗ trợ 4 triệu đồng/ha. Diện tích bị thiệt hại 30-70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Nội dung văn bản cũng cho biết: “Theo báo cáo của 2 Tổ công tác, hầu hết các hộ được cấp hỗ trợ kinh phí là đúng đối tượng và đúng với diện tích kê khai thực tế. UBND xã mới lập kế hoạch chi trả kinh phí cho người dân, hiện còn thôn 1, thôn 2 và làng Sơr chưa chi trả”.
Ông Tâm (đứng) và ông Quý trong buổi đối thoại với người dân về vụ việc.
Còn việc chi trả tiền nạo vét giếng và ao, hồ được lý giải là do công tác triển khai một số thôn làng chưa sâu sát, chưa thông báo rộng rãi để người dân biết đến kê khai đăng ký, một số thôn chưa tổ chức họp dân để hướng dẫn đăng ký mà chủ yếu do thôn trưởng tự lập danh sách gửi về xã, nên nhiều hộ dân không biết để đăng ký nhận quyền lợi (!).
Cán bộ xã cho rằng đây là sai sót chủ yếu của Ban nhân dân các thôn, làng và có 1 phần của... người dân có diện tích bị hạn không đến khai báo với thôn trưởng, ít tham gia họp thôn để nghe các thông báo…
Tại buổi đối thoại với người dân xã Ia Hlốp, ông Nguyễn Hữu Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê - cho biết, trước những thông tin trên của người dân, huyện đã thành lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra tất cả 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; kiểm tra danh sách việc chi trả cho người dân. Hiện việc kiểm tra chưa có kết quả.
Ông Tâm cũng yêu cầu ông Quý tổng hợp đầy đủ ý kiến người dân để làm cơ sở kiểm tra, xác minh; xét lại quy trình đền bù, lập danh sách chi trả tiền hỗ trợ…
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, đợt hạn hán vừa qua, toàn huyện Chư Sê được hỗ trợ 7 tỷ đồng.
Được biết, liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ hạn hán trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tại nhiều xã cũng để xảy ra tình trạng tương tự xã Ia Hlốp.