Dân Việt

Chống bạo lực gia đình bằng việc “giữ lửa”

Mỵ Lương 12/08/2016 06:30 GMT+7
“Bạo lực gia đình (BLGĐ) ở các gia đình trí thức thường diễn ra âm thầm nhưng mức độ tổn thương vô cùng sâu sắc” - ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHDLTT) nhận định tại cuộc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc do Sở VHDLTT Hà Nội tổ chức gần đây.

Mỗi nhà mỗi cảnh

Chồng chị Đặng Thanh Mai hiện là giáo viên một trường THPT trên địa bàn TP.Hà Nội, lập gia đình được 5 năm. Chồng chị luôn quan niệm bản thân mình là trụ cột chính của gia đình, việc chăm lo cho con cái, thu vén việc nhà là của người vợ. Chị Mai cho biết, công việc ngày mới của chị bắt đầu từ lúc 5 giờ rưỡi sáng, chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho cả gia đình. Sau  đó, chị đảm nhiệm việc đưa con đến trường rồi mới đến cơ quan làm việc. Tan làm, chị Mai lại vội vã đón con, đi chợ chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Chị Mai thở dài ngao ngán: “24 tiếng đều quần quật làm việc thì lấy đâu ra thời gian làm đẹp, đến phòng tập thể dục, ngồi tụ tập bạn bè nữa. Chồng tôi chẳng động tay vào việc gia đình vì cho rằng việc “tẹp nhẹp” là của phụ nữ, nếu làm sẽ khiến đàn ông “mất thể diện”.

img

Việc lôi kéo người chồng cùng chơi với con cũng là cách xây dựng sự bền chặt gia đình
(ảnh minh hoạ).   Ảnh:  Mỵ Lương 

Theo ông Hoa Hữu Vân, trong 5 năm trở lại đây tại Việt Nam, toà án nhân dân các cấp đã xử lý khoảng 492.600 cặp vợ chồng ly hôn. Trong đó có 83,77% nguyên nhân xuất phát từ BLGĐ. Có tới 21,2% phụ nữ cho biết, bị chồng đánh chửi. 22,5% đàn ông thừa nhận đánh chửi vợ. Số liệu này cho thấy, tỷ lệ người bị đánh và người thừa nhận đánh tương đương nhau. 

Còn chồng chị Nguyễn Thị Hà hiện đang là cán bộ của một công ty xây dựng nhưng lại biết đỡ đần vợ con. Thế nhưng, chồng chị lại kiểm soát vợ rất chặt chẽ. “Có lần tôi đi công tác hai ngày một đêm tại địa phương, anh bịa chuyện con ốm nặng để tôi về gấp. Ngay cả những lần đi họp mặt bạn bè hồi đại học hay bạn bè cùng cơ quan thì cũng không ít lần tôi phải xấu hổ vì chồng đến phá đám. Nếu tôi trái lời là anh ấy đánh ngay” – chị Hà ngậm ngùi

Về vấn đề này, ông Vân nhận định: “Việc bất bình đẳng giới, BLGĐ đặc biệt là bạo lực tinh thần thường diễn ra âm thầm trong các gia đình học vấn cao là phần nhiều và rất cay độc, để lại hậu quả xấu. Nhìn lại những vụ tự tử có nguyên nhân từ BLGĐ tập trung rất nhiều ở các gia đình có kinh tế, tri thức thay vì ở các gia đình học vấn thấp hơn”.

Đàn ông cùng xây tổ ấm

 “BLGĐ bắt nguồn từ chính sự bất bình đẳng giới. Nhưng nguyên nhân nhiều khi đến từ phụ nữ. Đàn ông lười đôi khi do vợ “đưa đẩy”. Ví dụ chồng dù vụng về nhưng vẫn cố gắng nhặt rau, rửa bát thì vợ lại “giội nước lạnh: “Ông bôi ra cho tôi hầu thì tôi thà làm cố cho xong”. Như vậy đương nhiên không thể khuyến khích chồng tiếp tục làm việc nhà. Càng trong gia đình trí thức càng cần sự khéo léo, nhẹ nhàng mới có thể khuyến khích nhau cùng “xây tổ ấm” - ông Vân phân tích.

Ông Vân thừa nhận, việc khen chồng cũng là một nghệ thuật để gìn giữ hạnh phúc. Người phụ nữ khôn ngoan là người tạo cơ hội cho chồng làm việc nhà nhiều hơn từ những việc nhỏ nhất. Dù chồng vụng về cũng luôn khuyến khích, ‘khâm phục” họ để các ông chồng phấn khởi. Khi họ đã làm quen tay, đã ngấm nỗi vất vả của vợ khi một mình làm việc nhà, họ sẽ thay đổi nhận thức để tự giác làm việc nhà.

Theo ông Nguyễn Thành Tuyên – Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở VHDLTT Hà Nội) cho biết, thực tế đối với các gia đình tri thức, hình thức bạo lực diễn ra “âm thầm, lặng lẽ” khó có thể nắm bắt. Cho nên, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để gìn giữ hạnh phúc gia đình bền lâu xuất phát từ chính những người “trong cuộc” biết cách khéo léo hòa giải khi vợ chồng mâu thuẫn. “Điều mà mỗi khi tuyên truyền, chúng tôi luôn nhấn mạnh vai trò của sự cảm thông, hai vợ chồng cùng chung tay làm từ những việc nhỏ nhặt như: Cả hai cùng xắn tay nấu một bữa cơm gia đình. Điều đó tưởng chừng giản dị, quá đỗi bình thường nhưng là một viên gạch góp phần xây đắp làm nên hạnh phúc gia đình. Nó nhắc nhở mỗi người nên trân trọng gìn giữ những phút giây sum họp bên nhau ”.