Làm sạch thị trường thuốc thú y thủy sản sẽ giảm bớt khó khăn cho nông dân. Ảnh: T.H
Nghề nuôi trồng thủy sản nước ta hiện đang rất phát triển với các loại tôm, cá, cua… Đi kèm với đó là nhu cầu sử dụng từ các loại thuốc kháng sinh, phòng bệnh đến các chế phẩm cải tạo ao, hồ. Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp, thậm chí chỉ là đại lý nhỏ lẻ cũng đã tự “mò” xuống tận ao nuôi của bà con nông dân để bán sản phẩm. Vì thế, không ai có thể biết đích xác được, ngoài 800 sản phẩm đã bị phát hiện, thu hồi, còn có bao nhiêu sản phẩm trôi nổi khác trên thị trường?
Cũng giống như thị trường thuốc bảo vệ thực vật, việc kinh doanh thuốc thú y thủy sản hiện nay diễn ra quá dễ dàng. Bất kỳ ai cũng có thể mở được đại lý, ai cũng có thể đi bán hàng. Vì thế, khi người nông dân tới mua hàng, các chủ đại lý ra sức giới thiệu, quảng bá cho những sản phẩm mà họ được doanh nghiệp chi hoa hồng để bà con mua về dùng, bất biết nó có đúng với tình trạng bệnh của tôm, cá hay không. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp còn chi tiền cho người đi tiếp thị, quảng bá sản phẩm tại… ao.
Những điều như trên đã tồn tại từ lâu và ai cũng biết, nhưng cho đến nay, không hiểu sao việc này vẫn không thể xử lý được. Do đó, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước ở cả T.Ư và chính quyền các cấp phải siết chặt khâu quản lý này. Theo đó, cần xử lý thật nghiêm, thậm chí có thể đề nghị xử lý hình sự nếu có hiện tượng cố tình buôn bán hóa chất cấm trong thủy sản (như chất cấm trong chăn nuôi).
Hàng thủy sản Việt Nam thời gian qua liên tục có các lô bị trả về do dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng. Còn bà con nông dân cũng thường xuyên chịu thiệt thòi do tình trạng dịch bệnh thủy sản. Vì thế, hơn lúc nào hết, từ Bộ NNPTNT đến các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là hành động sống còn để làm sạch và phát triển bền vững ngành thủy sản nước ta.