Ông Huyền cho biết, thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm BHNN đối với 3 sản phẩm là bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản (tôm, cá), giai đoạn 2011-2013 đã có 304.017 số hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia thí điểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm là 712,9 tỷ đồng.
Nông dân huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) thu hoạch lúa chạy lũ. Ảnh: Thiên Hương
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc doanh thu phí BHNN là 394 tỷ đồng, trong khi bồi thường lên đến 712,9 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chịu thua lỗ, ông Huyền cho biết, đây là chương trình triển khai thí điểm, vì vậy sau khi chương trình kết thúc đã tiến hành đánh giá thuận lợi, khó khăn, bất cập và sẽ hướng đến việc lựa chọn hình thức triển khai BHNN đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DNBH.
Ông Huyền cũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3094/VPCP-KTTH ngày 6.5.2016 của Văn phòng Chính phủ, căn cứ kết quả phân tích, đánh giá về những khó khăn, bất cập trong triển khai BHNN, Bộ Tài chính đang phối hợp Bộ NNPTNT và đã xin ý kiến địa phương, tổ chức họp với các DNBH, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện BHNN trên diện rộng.