Dân Việt

Hành trình Cam của người ngoài cuộc

08/08/2011 18:45 GMT+7
(Dân Việt) - Bob Edgar tự nhận mình là “một người Mỹ biết đau”. Ông đã kêu gọi nhiều người Mỹ cùng đến Việt Nam, để thấy rằng, dấu vết chiến tranh vẫn in hằn trên cơ thể của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam vô tội ngày hôm nay.

Những câu chuyện ấy được Bob Edgar ghi lại trên blog của mình.

Ông Bob Edgar là một cựu chiến binh tại Việt Nam và trở thành Hạ nghị sĩ vào thời điểm cuộc chiến tranh tại VN kết thúc năm 1975. Ngày nay, với vai trò là Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận "Sự nghiệp Chung" (Comon Cause), Bob đã có hàng trăm bài thuyết trình ở tất cả các nơi trên nước Mỹ về những nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN, và trách nhiệm từ nước Mỹ.

img
Bob Edgar (ngồi) giao lưu với các nạn nhân chất độc da cam - dioxin Việt Nam.

Trong cuốn nhật ký về hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân da cam/dioxin VN, Bob viết: “Tôi không nhớ có bao người Mỹ đã rơi nước mắt khi tôi nói về phận đời của những em bé da cam VN. Họ cùng chúng tôi đều là những “người Mỹ biết đau…”.

Chiếc đồng hồ của tôi

Bob nhớ lại chuyến trở lại VN lần đầu tiên của mình sau khi chiến tranh kết thúc, đó là lần đến Trung tâm Trẻ em khuyết tật ở Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Ông Bob kể: “Khi đến nơi, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt tôi là những em bé khuyết tật với nhiều lứa tuổi, tập trung lại để đón chúng tôi.

Một cảm giác xấu hổ, trộn lẫn với sự xúc động, chúng tôi bước vào phòng và kể từ đó, cuộc sống của tôi và những người bạn Mỹ ngày hôm đó đã hoàn toàn thay đổi. Tôi ngồi trên sàn nhà, bao quanh tôi là các em bé da cam. Chất độc da cam đã làm cho cơ thể của các em biến dạng, nhưng bên trong các em là một tâm hồn trong sáng, khát khao được sống được hòa nhập…

Khi tôi đưa bàn tay mình nắm lấy tay các em, bởi ngôn ngữ duy nhất của chúng tôi lúc ấy chỉ là cử chỉ của tình yêu thương, thì một cậu bé chừng 11 tuổi, với khuôn mặt nhiều dị tật, hai chân teo tóp đã bị cuốn hút bởi chiếc đồng hồ trên tay tôi. Tôi chìa tay ra với bé và nói: “Con có biết xem thời gian không?”.

Cậu bé lắc đầu vì không hiểu thứ ngôn ngữ mà tôi đang dùng. Thật may mắn, người phiên dịch đã đến giúp chúng tôi. Tôi hỏi tiếp: “Con muốn xem thời gian phải không? Lúc này cậu bé đã hiểu và trả lời tôi rất ngắn gọn: “Không”. Tôi hỏi tiếp: “Con muốn xem gì trong chiếc đồng hồ này?”. Lúc này, cậu bé bẽn lẽn cúi xuống nhìn sàn nhà và nói: “Con muốn xem khuôn mặt của con qua chiếc đồng hồ sáng loáng của ông”.

Sau khi nhận được câu trả lời rõ ràng của cậu bé qua người phiên dịch, tôi như có cảm giác một luồng điện chạy xẹt qua người mình, choáng váng, ngỡ ngàng và muốn rơi lệ. Từ lâu nay, chiếc đồng hồ này chỉ là vật dụng để tôi xem thời gian, nhưng giờ nó cũng có thể là một chiếc gương nhỏ để người khác soi mình.

Rõ ràng, thời gian có thể thay đổi trên chiếc đồng hồ, nhưng nếu nhìn vào đó, các em vẫn mãi nhìn thấy, trên khuôn mặt mình là dấu vết của chiến tranh, của chất độc màu trắng ác nghiệt đã hủy hoại cơ thể của các em… Tôi rời Củ Chi trong một cảm xúc khó tả, sự choáng váng, trái tim như ai đó đang bóp chặt khiến nhịp thở chậm rãi và khó khăn…”.

Dưới chân tôi đi có độc

Ngày thứ ba của cuộc hành trình đầy kinh ngạc, đoàn của ông Bob đến Đà Nẵng, nơi từng là căn cứ không quân Mỹ trong chiến tranh VN. Đây cũng là vị trí lưu trữ các thùng chứa chất độc da cam, mà máy bay của Mỹ đã phun xuống các làng quê VN với tên gọi là chất diệt cỏ.

Dưới vỏ bọc là chất diệt cỏ, nhưng nhiều loại có chứa chất độc dioxin, một loại hóa chất độc hại, đã gây ra vô số vấn đề về sức khỏe cho các cựu chiến binh cả hai phía và cho dân thường VN. Tại VN, chất độc dioxin đã ảnh hưởng đến dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Chất độc này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và không ai biết chắc bao nhiêu thế hệ sẽ bị ảnh hưởng bởi nó.

Sau chuyến đi cùng Bob đến VN, các tổ chức như Quỹ Ford, Sự nghiệp chung, Quỹ trẻ em Mỹ đã tham gia Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin do Quỹ Ford phát động nhằm quyên góp 300 triệu USD trong vòng 10 năm để giúp VN tẩy sạch các điểm bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và cung cấp dịch vụ y tế cho các gia đình và trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc.

Chính dioxin cũng đầu độc trái đất này. Bob kể: “Chúng tôi đến thăm một trong những “điểm nóng” ở gần sân bay Đà Nẵng, gần đó là một dòng suối và một cái hồ đã từng được người dân nơi đây sử dụng để tắm và câu cá. Suốt nhiều năm như vậy, không ai ngờ được sự nguy hiểm khi dòng nước đã bị ô nhiễm từ lòng đất.

Cho đến khi Quỹ Ford đến VN, giúp tẩy rửa một phần khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Không ai nghi ngờ rằng, Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hành động này, song từ trong nước Mỹ, chính quyền vẫn cố làm ngơ.

Nếu bất kỳ người Mỹ nào đến VN, đến điểm nóng dioxin ở Đà Nẵng, họ cũng sẽ có cảm giác rợn người, khi nghĩ rằng, dưới mỗi tấc đất họ đặt chân lên đều có độc. Dù bạn là ai, là nhà hoạch định chính sách, nhà từ thiện, hay chỉ đơn giản là một người biết đau, bạn hãy đến VN để cảm thấy, có những vùng ở nơi đây, chiến tranh chưa phải là đã hết…”.