Dân Việt

Các cấp chưa thực sự quan tâm

08/08/2011 04:42 GMT+7
(Dân Việt) - Đến nay, đã có 63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (NS VSMTNT). Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

100% địa phương triển khai

Ông Nguyễn Thành Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia NSVSMTNT cho biết, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai kế hoạch thực hiện công tác theo dõi đánh giá (TDĐG). Theo báo cáo của Trung tâm Quốc gia NSVSMTNT, đến hết tháng 5.2011, đã có 100% tỉnh, thành phố trong cả nước có báo cáo triển khai thực hiện kế hoạch.

img
Công tác TDĐG NSVSMTNT đã bước đầu đạt được kết quả khá tốt (ảnh chụp tại huyện Võ Nhai, Thái Nguyên).

Theo đó, có gần 15 triệu hộ gia đình với gần 62 triệu người nằm trong phạm vi điều tra. Tỷ lệ bình quân dân số sử dụng nước hợp vệ sinh là 75,4% (theo báo cáo của 63 tỉnh, thành) trong đó cao nhất là TP.Hồ Chí Minh với 96,6% và thấp nhất là Nghệ An với 39,97%.

Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn QC 02 của Bộ Y tế (theo báo cáo của 41/63 tỉnh thành) bình quân là 36,43% trong đó cao nhất là tỉnh Bắc Giang với 66,3% và thấp nhất là Hà Nam với 0,11%... Tỷ lệ bình quân số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh là 51,3%, cao nhất là TP. Hồ Chí Minh với 94,2% và thấp nhất là Lai Châu với 14,8%...

Còn nhiều thách thức

Mặc dù các địa phương cơ bản đã thành lập xong hệ thống TDĐG đến cấp thôn, bản và bước đầu duy trì được việc cập nhật hàng năm nhưng thực tế, công tác TDĐG còn gặp không ít khó khăn.

Theo đánh giá của ông Lê Thiếu Sơn - Giám đốc Trung tâm Quốc gia NSVSMTNT, các cấp chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện, phó mặc cho cán bộ chuyên môn; một số địa phương chưa thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn của Bộ NNPTNT về quy trình triển khai thực hiện.

Sự phối hợp giữa các cơ quan tại các tỉnh, thành chưa thường xuyên, chặt chẽ. Nhiều địa phương chỉ do Trung tâm NSVSMT tỉnh thực hiện, cấp huyện không có vai trò gì trong công tác thu thập, tổng hợp, kiểm tra và giám sát số liệu.

Trên thực tế, việc bố trí cán bộ thiếu ổn định cũng đang là vướng mắc trong công tác TDĐG về NSVSMTNT. 100% số xã tại Thái Nguyên, Bình Định, Bến Tre có thay đổi nhân sự thực hiện, thậm chí có xã thay đổi 100%. Ở Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La có tình trạng cán bộ cấp tỉnh được đào tạo kỹ về chuyên môn cũng thuyên chuyển công tác.

Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ cho cán bộ thực hiện còn thấp. Tỉnh Thái Nguyên năm 2009 hỗ trợ ở mức 800 đồng/hộ, năm 2010 coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, sẽ không hỗ trợ kinh phí cho cán bộ điều tra, mà chỉ hỗ trợ 70.000 đồng/300 hộ dân đối với cán bộ tổng hợp cấp xã.

Ngoài ra, nhiều tỉnh phê duyệt kế hoạch muộn (như Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Bình Dương…) hoặc kinh phí bố trí không đủ để thực hiện (Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa…).