Dân Việt

Những “cái giá” Hoàng Xuân Vinh phải trả cho vinh quang Olympic

Nguyễn Nam 11/08/2016 16:00 GMT+7
Vinh quang rất lớn đang đến với Hoàng Xuân Vinh nhưng ít ai biết được rằng, để có được những tấm huy chương anh có thể phải chịu tổn thương rất lớn ở những bộ phận như khớp gối, hông, vai, cổ chân, vôi hóa... sau khi giải nghệ.

Nhìn bề ngoài, bắn súng là môn thể thao không phải chịu nhiều tổn thương khi thi đấu, tuy nhiên đó là nhận định thiếu chính xác. Các xạ thủ luyện tập môn này phải đối mặt với rất nhiều chấn thương tiềm ẩn mà họ có thể sẽ rất khổ sở khi tuổi ngày càng cao.

img

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Theo các chuyên gia, VĐV luyện tập môn bắn súng phải chịu khối lượng tĩnh trong thời gian dài. Họ phải bắn đứng, bắn quỳ, bắn nằm nên khớp gối, hông, vai cổ, thắt lưng và cổ chân dễ bị vôi hóa, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi tuổi càng cao.

Như ở nội dung 10m súng ngắn mà Hoàng Xuân Vinh đã giành HCV, VĐV phải đứng lệch 1 bên, một vai cao một vai thấp. Luyện tập trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng tới cột sống và các bệnh lý liên quan tới đĩa dệm.

Người bình thường thở khoảng 12 nhịp mỗi phút thì VĐV bắn súng thở ít hơn. Sau khi nín thở, xạ thủ phải hít sâu bù lại lượng oxy thiếu hụt thì hít ngay khói đạn trong trường bắn.

Hoàng Xuân Vinh dã theo đuổi môn bắn súng được 16 năm, tính ra anh đã trải qua hơn 5.000 ngày luyện tập với khoảng 20.000 giờ bắn với đủ các tư thế đứng, quỳ, nằm. Ở tư thế quỳ bắn, vận động viên phải vác khẩu súng nặng 20 kg trên vai, trong tư thế tĩnh. Sức nặng của khẩu súng sẽ khiến khớp gối và vai của các xạ thủ bị ảnh hưởng.

Những chấn thương của các VĐV bắn súng thường diễn ra âm thầm chứ không phải chịu tổn thương trực tiếp như các môn khác. Khi tuổi càng cao, họ có thể sẽ phải chịu rất nhiều những tổn thương như vậy. Nói thế để thấy, Hoàng Xuân Vinh đã hi sinh rất nhiều để có được thành công như ngày hôm nay chứ không phải ngày một ngay hai hay đơn giản để có được những tấm huy chương.