“Ma trận” sách tham khảo
Chỉ còn vài ba tuần nữa, năm học mới chính thức bắt đầu. Tại Hà Nội, thời điểm này, nhiều học sinh ngoài việc tìm mua sách chính khóa, nhiều em còn lựa chọn vài đầu sách tham khảo cần thiết.
Dạo quanh một số nhà sách lớn tại Hà Nội, số lượng đầu sách tham khảo các môn/lớp phải lên đến hàng trăm cuốn, với sự góp mặt của hàng chục nhà xuất bản như: NXB Giáo dục, NXB Thanh Niên, NXB ĐH Quốc gia TPHCM, NXB ĐHQG Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM…
Đơn cử như sách tham khảo môn Toán dành cho học sinh lớp 10, NXB Giáo dục có hẳn 10 cuốn, mỗi cuốn có giá gần 40.000đ. Trong đó, chủ yếu các đầu sách đi vào luyện giải bài tập, luyện tập làm bài trắc nghiệm đại số và hình học.
Ngọc Hà, HS Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đang tìm mua hai cuốn sách tham khảo môn Văn và môn Toán.
Ở thể loại sách tham khảo môn Ngữ Văn dành cho học sinh lớp 10 của NXB ĐH Sư phạm TPHCM đã góp mặt 9 đầu sách, gồm các cuốn văn mẫu hoặc cách làm các bài văn hay. Chưa kể, tất cả các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Tiếng Anh… NXB này đều có số lượng đầu sách tham khảo nhiều ngang ngửa so với môn Ngữ Văn. Mỗi cuốn như vậy, có giá từ khoảng 32.000đ- 34.000đ.
Tất cả các môn Toán, Lý, Hóa, Ngữ Văn… NXB Tổng hợp TPHCM cũng ra khoảng 20 đầu sách tham khảo các loại, với giá 33.000đ/cuốn.
Không chỉ có cấp 2 hoặc cấp 3, ở cấp 1, các đầu sách tham khảo cũng ngập tràn từ lớp 1 cho đến lớp 5. Ví dụ sách tham khảo môn Ngữ Văn dành cho học sinh lớp 5, NXB ĐHQG TPHCM cũng có đến 13 đầu sách. Ở lĩnh vực sách tham khảo môn Toán cho học sinh lớp 5, NXB này cũng góp mặt đến 13 đầu sách với đủ các tên gọi “hot”.
Chỉ mua những cuốn cần thiết
Theo quan sát của PV, mức độ “vênh” giá của các cuốn sách tham khảo ở các nhà xuất bản khá lớn. Đặc biệt, giá cả tăng theo cấp độ lớp học. Có cuốn chỉ cách một lớp, số lượng trang tương đương nhưng giá các cuốn sách tham khảo tăng gần gấp đôi.
Khi được hỏi về danh sách sách tham khảo của mỗi lớp ra sao, một nhân viên tại Nhà sách Trí tuệ (phố Giảng Võ, Hà Nội) cho hay: “Chúng em chỉ có thể liệt kê danh sách của sách giáo khoa. Còn sách tham khảo quá nhiều, các anh chị đến tận nơi và lựa chọn, nhà sách không thể thống kê được số lượng theo từng lớp”.
Vừa tỉ mẩn lật các trang sách trên kệ sách tham khảo tại một nhà sách ở phố Giảng Võ, Hà Nội, Ngọc Hà (học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho biết, em đăng kí mua SGK ở trường. Còn sách tham khảo em tự lựa chọn theo nội dung và tên tuổi, uy tín của NXB.
Hà cho biết, gia đình em có hai chị em. Em trai Hà đang học cấp 2. Đầu năm, việc mua sắm sách vở, dụng cụ học tập luôn là gánh nặng cho gia đình nên em chỉ mua vài cuốn cần thiết. Số tiền dành mua sách vở và dụng cụ học tập là do em tiết kiệm từ tiền ông bà, họ hàng cho hoặc mừng tuổi từ trước đó.
Theo Ngọc Hà, trong vô số các đầu sách tham khảo có ở các nhà sách, em chọn khoảng vài cuốn cho các môn học cần thiết nhất. Ở các đầu sách của những bộ môn này, em đọc lướt qua một lượt xem cuốn nào có cách giải hay hoặc phương pháp hướng dẫn đặc biệt thì mua.
Việt Linh, một học sinh năm nay lên lớp 11 tại một trường THPT trên địa bàn Hà Nội, cũng đang cặm cụi tìm một cuốn sách thích hợp tại một nhà sách ở đường Láng. Em cho biết, chỉ cách nhau một lớp mà có cuốn sách tham khảo của môn Toán lớp 11 có giá đến 95.000đ, cao gấp đôi so với một cuốn sách của lớp 10.
“Tiêu đề của cuốn sách khác đi một chút nhưng xem bên trong, thực tế cũng chỉ là các đề toán và hướng dẫn phương pháp giải, không có gì đặc biệt hơn nhưng giá quá đắt”, Linh nói thêm.
Theo Việt Linh, đành rằng sách tham khảo giúp cho việc học của học sinh được tốt hơn. Nhiều đề bài giúp học sinh nâng cao được kiến thức. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều bạn quá lạm dụng sách tham khảo. Chẳng hạn ở môn Văn, nhiều bạn bê luôn bài văn mẫu vào bài làm nên khi ra một dạng đề khác, các bạn sẽ không biết cách xử lý ra sao.
Ở các môn khoa học tự nhiên như: Toán, Lý, Hóa… một số bạn mua sách tham khảo và đưa luôn bài giải trong đó vào bài làm mà không hiểu bản chất cách giải bài tập. Vì vậy, bản thân Linh, em chỉ chọn hai cuốn: Cách luyện ngữ pháp Tiếng Anh và các bài toán hay lớp 11 để tìm hiểu thêm. Ngoài ra, em cũng đọc nhiều tài liệu trên mạng, kết hợp với bài giảng của giáo viên để nâng cao kiến thức.
Sách tham khảo cũng giật gân, câu khách
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, hiện có rất nhiều học sinh lạm dụng sách tham khảo, trong khi giá cả các cuốn sách này khá đắt đỏ.
Không những với môn Văn mà môn Toán cũng thế, các em bắt chước sách tham khảo rồi làm theo, ít sáng tạo, khi tình huống trong đề bài có thay đổi thì không thể làm bài được.
Hiện nhà nhà ra sách, người người ra sách nên khó quản lý được chất lượng, nhiều kiến thức trong sách không chuẩn, có hại cho học sinh. Do đó, học sinh không định hướng được nên dùng sách nào, sử dụng ra sao.
Theo thầy Tùng, học sinh nên bám chắc SGK, sách bài tập, chỗ nào không hiểu, các em hỏi ý kiến của giáo viên bộ môn để xin tư vấn và giảng giải thêm. Như vậy, mới hiệu quả.
Cũng có quan điểm gần giống thầy Tùng, Thạc sĩ Hoàng Anh Tài, giáo viên môn Hóa tại một trường THPT trên địa bàn Hà Nội nhận xét, sách tham khảo có nhiều mặt tốt, giúp cho học sinh và giáo viên mở mang kiến thức, đôi khi SGK không nói hết được điều đó.
Tuy nhiên, sách tham khảo thực sự tốt nếu được thẩm định, được viết với sự đầu tư cao thì nó mới là tài liệu vô cùng hữu ích cả cho học sinh và giáo viên.
Theo Thạc sĩ Tài, hiện nay sách tham khảo rất nhiều, giật tít thật vang để câu khách. Có nhiều đầu sách tên rất vang nhưng nội dung tham khảo thì rất ít, nên các bạn hạn chế mua sách tham khảo. Hãy làm tốt bài tập SGK, sách bài tập và các bài tập tham khảo mà giáo viên trên lớp phát cho các bạn tham khảo. Nếu học sinh muốn mua thêm sách tham khảo nào nữa nên có sự tham khảo của các thầy cô có uy tín.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, một trong những giáo viên luyện thi tiêu biểu ở Hà Nội cho rằng, hiện nay nguồn tài liệu trên Internet rất phong phú và đầy đủ. Nên khuyến khích học sinh tự tìm kiếm tài liệu và học trên Internet thay vì dùng sách tham khảo.
"Nếu các em dùng sách tham khảo thì nên nhờ sự tư vấn của các thầy cô để tìm được cuốn sách thực sự có giá trị bởi hiện nay rất nhiều người viết sách cẩu thả, tên sách thì giật gân, câu khách, khiến học sinh vừa tốn tiền lãng phí mà còn mất thời gian, không tập trung vào những điều cần học hoặc đáng học", thầy Ngọc nói.