Những chuyện vừa nêu trên của “Bầu” Đệ, coi như…đã qua. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, thì ông Nguyễn Văn Đệ lại có những “góc khuất”, mà không phải ai cũng biết.
Xin về hưu non, đi buôn gạo
Sau nhiều lần xếp lịch gặp, trợ lý của ông Đệ mới xếp được lịch hẹn với chúng tôi vào gần giữa đêm khuya, vì “ban ngày ông ấy quá bận”.
Gặp nhau, dường như ông Đệ có ý nghĩ rằng, chúng tôi đến để hỏi ông về chuyện “lùm xùm” giữa việc ông tố cáo vị giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa? Thế nên, ông đề nghị “anh em không nên viết về những vấn đề đó nữa”. Nhưng, khi nghe chúng tôi đề cập đến vấn đề muốn nghe ông kể lại thuở hàn vi của mình, ông “giãn” ngay nét mặt.
Ông bảo, “cuộc đời mình có nhiều truân chuyên lắm lắm. Từ nhỏ, được sinh ra và lớn lên ở quê (xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), nhưng mình vốn là đứa trẻ nghịch ngợm, lười học, hiếu động và lì lợm.
Năm 15 tuổi, mình đã theo các anh trai đi trực canh gián điệp từ tàu biển vào làng. Đến năm 17 tuổi, thì bỏ học để theo các chú, các bác đi trực canh máy bay. Bao nhiêu lần máy bay Mỹ bắn phá, suýt chết vì bom đạn. Năm 1971, nhận thấy không thể xua đuổi được mình về nhà, nên các chú, các bác đành phải làm thủ tục cho mình gia nhập quân đội. Hoạt động được 3 năm, đến 1974, có giấy gọi của ngành Công an. Vậy là, mình được tuyển vào đơn vị Cảnh sát cơ động, rồi công an phòng cháy chữa cháy, sau đó, lại được điều chuyển sang làm cảnh sát bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Đệ.
Đến năm 28 tuổi, mình được điều động về phòng Hậu cần Công an Thanh Hóa. Thế nhưng, công tác ở ngành công an lúc bấy giờ khó khăn, vất vả lắm. Vả lại, tự bản thân mình nhận thấy không thể phấn đấu để lên cao chức vụ trong ngành được, nên đến năm 1992, thì xin về hưu non”.
Rời cơ quan về nghỉ chế độ trong thời điểm đất nước mới được 6 năm đổi mới, nên khó khăn vô cùng. “Lúc ấy, bà xã nhà mình cứ động viên ở nhà phụ giúp bán hàng cơm, nhưng mình nhất định không chịu. Mình quyết tâm đi buôn gạo đường dài, với ý nghĩ vừa đi buôn vừa tìm kiếm cơ hội làm ăn. Trong một chuyến chở gạo đi lên tỉnh Cao Bằng, thì bị lật xe giữa đường. Bị gạo đè lấp suýt chết, còn vốn liếng thì lỗ đơn, lỗ kép nên đến năm 1996, mình quay về thành lập Hợp tác xã (HTX) vận tải Hợp Lực.
Ban đầu thành lập, HTX chỉ có 15 xe vận tải. Sau đó vài năm, HTX đã có 60 chiếc xe và làm ăn thấy “dễ thở” hơn. Thế nhưng, đúng vào thời điếm ấy, thì bắt đầu HTX vướng vào chính sách về thuế. Ngành thuế yêu cầu HTX phải nộp thuế môn bài theo đầu xe, tức là 60 xe, phải nộp 60 thuế môn bài. Mặc dù ở thời điểm đó, mình chơi rất thân với một cán bộ ngành thuế tên T. nhưng chính người bạn thân ấy đã cố tình o ép mình theo lối riêng của anh ta. Không chịu đựng được sự bất công và vô lý, mình làm đơn kiến nghị lên các cấp, nhằm cứu sống các xã viên của HTX. Tuy nhiên, xã viên của HTX vẫn bị “dồn vào tường”. Đội xe bị bắt, xã viên không còn việc làm. Bây giờ nghĩ lại cảnh ấy, mình vẫn cảm thấy sợ.”- ông Đệ nói xong, buông tiếng thở dài.
“Cướp” diễn đàn khi Thủ tướng chủ trì họp
Nhắc đến chuyện “cướp” diễn đàn hồi năm 2003, khi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đang chủ trì một cuộc đối thoại với doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, ông Đệ bảo, “Hôm ấy, được Thủ tướng cho nói xong, mình đã khóc”.
Câu chuyện này được ông Để kể lại, đó là hồi năm 2003, khi nghe tin Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chủ trì một cuộc đối thoại với doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Dù không được mời, nhưng khi nghe được tin này, ông Đệ đã nhảy tàu hỏa vào ga Sài Gòn. Sau đó, tìm đến nơi Thủ tướng chủ trì cuộc gặp mặt doanh nghiệp, để xin phát biểu ý kiến.
“Khi tới nơi, mình xin vào hội trường để nghe và chờ cơ hội xin phát biểu ý kiến. Thế nhưng, mình là thành phần không được mời, nên để được phát biểu ý kiến trước sự có mặt của Thủ tướng là vô cùng khó. Vì vậy, lúc đại diện của Bộ kế hoạch và Đầu tư vừa đọc xong báo cáo, mình xông lên “cướp” diễn đàn, đề nghị với Thủ tướng 5 vấn đề liên quan đến Hợp tác xã. Đang trong lúc trình bày kiến nghị với Thủ tướng, thì bị công an và lực lượng bảo vệ lên định tống cổ mình ra ngoài. Rất may, lúc đó Thủ tướng Phan Văn Khải giơ tay ra hiệu ngăn mấy chú công an và lực lượng bảo vệ lại, để nghe mình trình bày các kiến nghị. Thủ tướng và cả hội trường ngồi nghe từ đầu đến cuối. Khi mình kết thúc những kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng, thì phía dưới hội trường có nhiều người vỗ tay. Vậy là mình bật khóc. Sau đó, quệt nước mắt rồi ra về.
Đến tối hôm ấy, đang đi ăn cơm bụi một mình, thì thấy có một số điện thoại lạ gọi. Hóa ra, người gọi cho mình là bác Quách Lê Thanh - Tổng Thanh tra Chính phủ lúc bấy giờ. Nghe bác Thanh nói về việc Thủ tướng rất ghi nhận những kiến nghị của mình lúc sáng, mình lại bật khóc. Sau cuộc gặp mặt với doanh nghiệp ấy chỉ 15 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và ban hành quy định về nộp thuế môn bài cho đội xe của các hợp tác xã trong cả nước. Rồi cũng từ sau thời điểm ấy, mình mạnh dạn vươn sang các lĩnh vực kinh doanh khác cho tới ngày hôm nay, như mọi người đã biết”.
Trước lúc chia tay, ông Đệ có tâm sự với chúng tôi một câu rằng; “Dù là điều không ai mong muốn xảy ra, thế nhưng làm doanh nhiệp thì đôi lúc cũng phải chấp nhận những “va chạm” thôi”.