Cầu Hạc Trì là của ai?
Như Dân Việt đã thông tin, Công ty CP BOT Cầu Việt Trì vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị có phương án cấm triệt để phương tiện ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ. Chủ đầu tư cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) theo hình thức BOT cho rằng những việc trên sẽ đảm bảo cho việc thu hồi vốn theo cam kết khi kêu gọi thực hiện dự án.
Đơn vị này cũng ra thời hạn với các cơ quan chức năng “Trong thời gian 15 ngày nếu các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết triệt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư thì chúng tôi xin được dừng hoạt động cầu Hạc Trì”.
Trả lời Dân Việt, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng: “Tôi nghĩ là chủ đầu tư làm mình làm mẩy với Nhà nước, vậy là không nên. Công trình do nhà đầu tư bỏ vốn, ứng vốn để xây dựng rồi thu sau. Nhưng về bản chất là do Nhà nước quản lý. Người dân vẫn phải trả tiền, suy cho cùng là nguồn lực của nhân dân. Chứ không phải anh bỏ tiền ra hoàn toàn, làm ra sản phẩm rồi đem bán ở thị trường”.
Ông Liên cho rằng chủ đầu tư không thể dừng hoạt động cây cầu được, vì như thế là đơn phương hủy hợp đồng.
Doanh nghiệp dọa đóng cầu Hạc Trì là dùng "luật rừng" với dân
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Chủ đầu tư không thu hồi được vốn, “dọa” đóng cửa cầu là không hợp lý. Các hành xử như vậy là không được, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không nghĩ đến mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng cây cầu, con đường là để phục vụ cộng đồng. Tất nhiên, cần phải xem lại hợp đồng giữa chủ đầu tư và Nhà nước nhưng tôi khẳng định sẽ không có điều khoản này trong hợp đồng”.
Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính đã nêu nguyên tắc doanh nghiệp không được phép cấm người dân sử dụng dự án này khi đã hoàn thành.
“Dự án này không phải của riêng doanh nghiệp mà còn là của Nhà nước. Nếu cấm thì doanh nghiệp đã phạm luật, người tiêu dùng có thể phản ứng, thậm chí tẩy chay doanh nghiệp trên. Về lâu dài, doanh nghiệp này có thể bị cấm cửa không cho thực thi các dự án khác nữa. Còn cứ bỏ tiền ra là cấm không cho người dân đi qua cầu là làm trái với quy tắc của doanh nghiệp, trước hết cần phục vụ cộng đồng” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, có thể doanh nghiệp chưa hình dung được vấn đề và hiểu được hết hình thức hợp tác công tư khi nghĩ rằng bỏ tiền ra làm đường, cầu phà là được quyền thu phí, định đoạt giá cả.
Ông Thịnh cho biết: “Đó là quan niệm hoàn toàn sai, doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng thực thi với nhà nước, qua đó nhà nước tính toán cho doanh nghiệp thu hồi được vốn tốt nhất. Doanh nghiệp không có lợi nhuận thì cần tự xem lại mình trước, sau đó có đề xuất với Nhà nước phương án khác. Còn việc cấm người dân sử dụng là sử dụng luật rừng thì không ổn tí nào”.
Cần căn cứ theo hợp đồng để xử lý
Theo các chuyên gia, cách xử lý trong vụ việc liên quan đến dự án xây dựng cầu Hạc Trì theo hình thức BOT cần căn cứ vào hợp đồng giữa doanh nghiệp với Nhà nước.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng: “Theo hợp đồng kinh tế nói chung, khi có vấn đề khúc mắc, bên A bên B phải ngồi lại thỏa thuận với nhau. Khi gặp khó khăn hai bên cần ngồi lại giải quyết, khi đã nhiều lần không được thì tính đến chuyện dừng hợp đồng”.
Vướng mắc đối ở dự án này là người dân vẫn muốn lưu thông qua cầu Việt Trì cũ, điều này sẽ làm giảm doanh thu của chủ đầu tư cầu Hạc Trì.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phong phân tích: “Khi đầu tư cầu, đường theo hình thức BOT người ta thường lựa chọn ở khu vực có một con đường hoặc một cây cầu cũ song song. Người dân là người sử dụng hoàn toàn có quyền lựa chọn đi trên con đường mới hay đường cũ. Vì vậy, trong trường hợp này cứ căn cứ theo hợp đồng đã ký kết để xử lý”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của cả hai bên trong hợp đồng BOT, đó là Nhà nước và doanh nghiệp.
“Quá trình thẩm định dự án không chặt chẽ sẽ dẫn đến việc không đem lại lợi ích hài hòa cho cả nhà đầu tư và Nhà nước. Nhà nước phải bảo đảm cho dự án hoạt động có hiệu quả, còn doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm khai thác dự án khi đã đưa ra những điều kiện trước đó. Ở dự án cầu Hạc Trì, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư ở chỗ đã tính toán không chính xác các vấn đề liên quan để phát huy hiệu quả và thu hồi vốn như mong muốn” – Ông Thịnh cho hay.
Không được khước từ cung cấp dịch vụ Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có quy định Nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện việc quản lý, kinh doanh công trình dự án ( hoặc thực hiện dự án khác) theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng dự án. Trong quá trình kinh doanh công trình hoặc cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm đối xử bình đẳng với tất cả các đối tượng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp dự án cung cấp; không được sử dụng quyền kinh doanh công trình để khước từ cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sử dụng. |