Sau gần hai tuần VTV2 – Kênh Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng lại bộ phim truyền hình "Sex and The city", nhiều ý kiến phản hồi mang tính tích cực khi cho rằng, nên có những bộ phim chiếu mang tính giáo dục giới tính, tình dục như vậy.
Dân Việt đã có cuộc chia sẻ với các chuyên gia tâm lý và tổng hợp một số ý kiến của các độc giả trước việc VTV2 phát sóng phim người lớn "Sex and The city".
"Sex and The city" là bộ phim được chiếu ở nhiều nơi trên thế giới từng gây ra tranh cãi trái chiều vì vấn đề tình dục vốn được coi là nhạy cảm, tế nhị ở nhiều nước
Độc giả Docduoc viết: "Sex như là hơi thở, tồn tại vĩnh hằng với muôn loài, định hướng tốt, có tính giáo dục sẽ rất tốt cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Tôi ủng hộ".
Độc giả Ngo Hai nhận xét: "Khán giả không nên vội vàng đánh giá bộ phim khi chỉ nhìn thấy mác 18+ được phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia mà nên xem đó là những câu chuyện đời thường, những giây phút chiêm nghiệm lại cuộc sống của mình sau những giờ làm việc căng thẳng. Cũng chẳng còn những hình ảnh đáng lo ngại ảnh hưởng đến trẻ em như bao nhiêu khán giả đã lo lắng".
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chia sẻ, VTV2 phát sóng lại bộ phim "Sex and The city" là một việc tốt vì ở Việt Nam từ lâu đã thiếu giáo dục giới tính, tình dục, quan hệ giới cho thanh thiếu niên và cho cả người lớn nói chung.
"Trong rất nhiều năm chúng ta cứ hô hào nhưng chưa làm được, các gia đình rất bức xúc, trong khi nhu cầu về giáo dục giới tính, giáo dục về tình dục, giáo dục về các mối quan hệ các gia đình đang mong mỏi...", Tiến sĩ Hồng nhận định.
Vì vậy theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đã đến lúc cần có những thảo luận một cách công khai, thẳng thắn. Bộ phim "Sex and The city" đã được khán giả trên khắp toàn cầu chấp nhận, và được coi như không chỉ mang tính chất giải trí, nghệ thuật mà còn mang tính giáo dục về giới tính, quan hệ tình dục, các mối quan hệ giới khá rõ.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội
“Cho nên việc chiếu bộ phim ở Việt Nam, trên kênh VTV2 – Kênh khoa giáo rất là tốt. Tôi hoàn toàn ủng hộ”, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói.
Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, VTV2 chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi tập phim phát sóng là một sự nỗ lực rất lớn của VTV2. Ví dụ như: Họ có sự chuẩn bị như là mời khách mời thảo luận về bộ phim, hay sự biên tập những chi tiết, hình ảnh mà chưa phù hợp với văn hóa của Việt Nam…Với việc làm của VTV2 thì được coi đó là nơi tạo thêm tư liệu, kênh giáo dục về giáo dục giới tính, giáo dục tình dục, giáo dục các mối quan hệ giới cơ bản cho công chúng.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng khẳng định, vấn đề tình dục, sự phát triển về giới tính là một phần quan trọng của cuộc sống.
Bà nói: "Chúng ta cần bình thường hóa, thảo luận một cách rộng rãi, dần dần giáo dục về giới tính, tình dục sẽ không trở thành cấm kỵ, đáng sợ. Tất nhiên để có được sự bình thường hóa như vậy, chúng ta cần có một lộ trình".
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng cho biết, ở các nước trên thế giới, việc giáo dục giới tính, thảo luận về tình dục, giáo dục các mối quan hệ giới từ rất sớm, trong trường tiểu học, trong các chương trình của kênh giáo dục khác nhau, chứ không phải nhờ đến kênh truyền thông, báo chí, truyền hình như ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, giáo dục giới tính, tình dục chưa đưa vào học đường, cũng chưa có những dự án thảo luận công khai nên theo bà: “VTV2 đã mang thêm trọng trách giáo dục thay cho nhà trường. Tôi nghĩ sau bộ phim "Sex and The city", chúng ta cần có thêm những bộ phim tương tự về giáo dục giới tính, giáo dục tình dục, giáo dục các mối quan hệ giới được phát sóng trên VTV2. Bởi đây là kênh giáo dục thì không có lý do gì lại không phát sóng về giáo dục giới tính. Hơn nữa nếu như trên VTV2 chỉ phát những bài giảng thì sẽ rất khô khan, khó thu hút được nhiều khán giả. Trong khi bây giờ có quá nhiều kênh, cách giải trí hấp dẫn khán giả”, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn
Còn với chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, người đã tham gia trực tiếp hai sỗ talk show trước mỗi bộ phim "Sex and The city" phát trên VTV2 vừa qua thì cho hay: “Điều quan trọng khi phát sóng phim nói về sex, tình dục chính là định hướng cho khán giả. Nếu như phát sóng phim sex mà khai thác theo khía cạnh mượn đề tài đó để hướng tới truyền thông về giáo dục giới tính thì đó là điều nên làm, rất tốt.
Còn nếu chỉ phát sóng mà không có cách dẫn chuyện, trao đổi, thảo luận về các vấn đề mà tập phim đó nói đến thì sẽ dễ dẫn đến bộ phim bị khán giả hiểu là mang tính kích dục, gợi dục”.