Cụ thể, vào lúc 23h18, ngày 4.8, tài khoản tôi bị đối tượng khác chuyển 100 triệu đồng từ số thẻ của tôi sang số thẻ khác. Vào lúc 12h56, ngày 5.8, chuyển tiếp 2 giao dịch qua thẻ với số tiền 100 triệu đồng. Vào lúc 5h17, ngày 5.8, chuyển 3 giao dịch qua InternetBanking, mỗi giao dịch có số tiền 100 triệu đồng. Tổng 7 giao dịch là 500 triệu đồng.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, chị Hương bỗng nhận được tin nhắn báo số dư tài khoản với số tiền bị chuyển đi là 500 triệu đồng.
“Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi nhận được tin nhắn báo số dư tài khoản và email. Điều bất thường là trong những giao dịch này, tôi không nhận được tin nhắn mã OTP như thường lệ mỗi khi có giao dịch. Vào thời điểm diễn ra việc chuyển tiền này, tôi đang ngủ ở nhà và thẻ ATM vẫn ở trong túi xách. Tôi đã gọi điện cho ngân hàng Vietcombank để thông báo và khóa tài khoản vào lúc 7h50, ngày 5.8”, chị Hương cho biết.
Chị Hương cho biết liên lạc qua tổng đài 24/7 của Vietcombank rất khó khăn. “Sau khi tôi gọi điện lên tổng đài yêu cầu khoá tài khoản thì có 2 cuộc điện thoại của Vietcombank hỏi tôi về sự việc này. Hầu hết các cuộc điện thoại tổng đài viên đều hỏi tôi có click vào đường link nào không? Tôi trả lời là không và từ khi sử dụng dịch vụ của Vietcombank, tôi chưa bao giờ nhận được khuyến cáo nào từ ngân hàng này”.
Vietcombank gửi tin nhắn về thay đổi số dư tài khoản của chị Hương với 4 lần giao dịch qua thẻ, 3 lần giao dịch qua InternetBanking mà không có mã OTP
Sang đến ngày thứ 6, tức ngày 6.8, chị Hương liên lạc qua tổng đài 24/7 rất nhiều lần nhưng không có ai nghe điện thoại. Mãi đến sáng thứ 2 tuần này, tức ngày 8.8, chị Hương mới liên lạc được với nhân viên Vietcombank và được gọi đến phòng giao dịch Ngọc Khánh của Vietcombank để làm đơn tra soát và ký giấy để nhận lại số tiền 300 triệu đồng.
Đến chiều ngày 11.8, chị Hương có đến gặp người phụ trách là ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank tại trụ sở chính của ngân hàng. Qua trao đổi, anh Tuấn có nói đây là sự việc nghiêm trọng, đã được Vietcombank báo cáo với NHNN, báo cáo với Thủ tướng.
“Ông Tuấn cũng trao đổi với tôi về nghiệp vụ ngân hàng, về trang web tương tự như website của Vietcombank để lừa khách hàng click vào. Nếu click vào đường link giả mạo đấy, khách hàng sẽ bị lộ thông tin cá nhân”, chị Hương cho biết.
Chị Hương cho biết, khi trao đổi đến đây chị thật sự hoang mang, vì từ ngày chị trở thành khách hàng của Vietcombank chưa khi nào chị nhận được cảnh báo nào từ ngân hàng này.
“Khi xảy ra sự việc này, tôi có chia sẻ với một số bạn bè của mình thì được biết tuần trước có nhiều khách hàng của Vietcombank nhận được tin nhắn cảnh báo. Nội dung tin nhắn cảnh báo khá chung chung: Vietcombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên/mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử, mã OTP, số thẻ qua điện thoại, email, mạng xã hội, web, link lạ”, chị Hương chia sẻ.
Tin nhắn cảnh báo này đã không được gửi đến điện thoại của chị Hương từ Vietcombank, mà từ người bạn của chị ấy.
Chị Hương cho biết, nguyện vọng của chị là yêu cầu bên phía ngân hàng sắp xếp một cuộc gặp mặt để trả lời về cách thức, thời gian xử lý sự việc này cũng như thời gian hoàn trả số tiền 200 triệu đồng.
Ngoài ra, chị Hương nghĩ rằng cần phải có sự cảnh báo để khách hàng khác không bị tình huống như tôi. Còn ngân hàng có những nghiệp vụ xử lý để bảo vệ người tiêu dùng.
“Nếu bỗng một ngày ai đấy ngủ dậy mà thấy tài khoản của mình bị trừ đi 500 triệu đồng thì cũng khủng khiếp đấy. Tôi cảm thấy không an toàn và rất choáng váng. Tại sao trưa ngày 4.8 tài khoản của tôi có số dư nhưng đến tối và rạng sáng ngày hôm sau đã biến mất rồi”, chị Hương chia sẻ.
Chị Hương cho biết thông thường, giao dịch qua online chị thường nhận được mã OTP qua tin nhắn điện thoại. “Bình thường tôi nghĩ nó rất an toàn, vì mã OTP đấy sẽ được nhắn vào điện thoại của mình và mình nhập vào thì lệnh chuyển khoản mới thành công. Thế mà bỗng dưng có đến 7 lệnh không có mã OTP nào mà tôi vẫn bị trừ số dư là 500 triệu đồng. Tôi nghĩ điều đó cũng khó hiểu. Thực sự tôi hoang mang về điều đó”.