Chia sẻ với Dân Việt ngày 11.8, ông An nhận định, việc hoà giải các vụ án xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em vẫn là việc thường ngày ở huyện trong khi đó, XHTD trẻ em rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Kể cả những vụ đủ bằng chứng, vật chứng, lời khai của người bị hại, đối tượng phạm tội đã nhận tội nhưng cơ quan công an, bảo vệ pháp luật lại không xem xét đưa ra xử lý mà chỉ hướng tới… hoà giải. Điều này dung túng cho các hành vi XHTD khác.
"Con số hơn 1.000 trường hợp trẻ em bị hiếp dâm, XHTD mỗi năm ở Việt Nam chỉ là mỏm nổi trên tảng băng chìm mà thôi. Còn rất nhiều những sự việc khác do cơ sở tự giải quyết bằng việc thỏa thuận, hòa giải, đền tiền và xuê xoa cho qua chưa được tính đến” - ông nói.
Theo ông An, chuyện hòa giải vụ việc XHTD trẻ em là điều sai lầm, bất hợp lý đã kéo dài rất lâu ở Việt Nam. “Với tư cách là một người bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em trong một khoảng thời gian dài, tôi cảm thấy bất lực trước hệ thống công quyền, và hệ thống bảo vệ pháp luật của Việt Nam nói chung và tại địa phương nói riêng” – ông An nhấn mạnh.
Ảnh minh họa.
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao khi xuất hiện clip kèm theo đơn tố cáo của Facebooker T.T.N "tố" cụ ông 76 tuổi có hành vi dâm ô con gái mình. Theo lời tố này, hành động dâm ô trẻ em diễn ra nhiều lần nhưng chỉ được cơ quan địa phương mời hai bên gia đình đến trụ sở hòa giải. Tuy nhiên, người mẹ đã cho biết, chị sẽ tìm công lý đến cùng để con chị và nhiều trẻ em khác có thể tránh được nỗi đau khủng khiếp khi bị XHTD.
Chia sẻ về vụ việc này, bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cũng cho rằng: “Đừng nghĩ nhân vật già rồi, có chức vụ mà lại có thể bỏ qua. Vì khi bỏ qua cho một vụ việc xâm hại trẻ em đồng nghĩa với hành động dung túng cho người khác có những hành vi tương tự tái diễn”.
Thực tế việc thu thập những bằng chứng xâm hại tình dục và quấy rối tình dục không phải dễ dàng mà có. Theo bà Vân Anh, công an phải vào cuộc tìm hiểu về sự vụ xem đúng đến mức độ nào. Đặc biệt lưu ý đến những nhân chứng liên quan để khai thác. Trong trường hợp dựa vào lời khai của trẻ em cũng phải được làm một cách hết sức thận trọng.
“Ở nước ngoài, cách khai thác bằng chứng từ trẻ em dựa theo biện pháp nghiệp vụ chuyên nghiệp như: cho em bé bị xâm hại chơi thú bông rồi cho em xem hình ảnh của người nghi là xâm hại. Tiếp đến hỏi em xem người kia đã chạm vào vị trí nào của con gấu bông. Tại Việt Nam, sự chuyên nghiệp trong việc thu thập bằng chứng là chưa có. Đây là sự thiếu hụt lớn trong hệ thống bảo vệ trẻ em của mình” - bà Vân Anh nói.
Theo bà Vân Anh, vì những người thực hiện luật pháp không nghiêm cho nên Minh béo mới không bị bắt ở Việt Nam dù rằng trước đó cũng từng có những cáo buộc Minh béo xâm hại tình dục trẻ em.