Một doanh nghiệp tư nhân vừa đề xuất với UBND TP HCM được đầu tư xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn tiếp nước, 500 thùng rác công cộng. Thời gian thực hiện khoảng 10-12 tháng.
Các nhà vệ sinh công cộng sẽ được thiết kế dạng lắp ghép (bán kiên cố), không phải đào bới đường. Hệ thống xử lý nước, xả thải, môi trường thông qua xe bồn cung cấp.
Một nhà vệ sinh công cộng "5 sao" được xây dựng theo hình thức xã hội hóa tại TP HCM với kinh phí từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Công
Đổi lại, doanh nghiệp này muốn chính quyền thành phố cho phép được khai thác quảng cáo ở các cầu vượt trên địa bàn trong 15 năm. Đơn vị này cũng cam kết sẽ có trách nhiệm bảo trì toàn bộ số cầu vượt mà họ khai thác.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, luật hiện chưa cho phép quảng cáo bên ngoài các cầu vượt nên phía công ty đề xuất cần phải tính toán lại, đồng thời phải nêu rõ năng lực tài chính và ký quỹ bảo trì, bảo dưỡng nhà vệ sinh công cộng...
Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu nhà đầu tư làm thí điểm trước một công trình đảm bảo phù hợp về vị trí, mẫu mã, đảm bảo mỹ quan, chất lượng và hoàn thành trước ngày 2/9 để thành phố kiểm tra, đánh giá.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP HCM có 208 nhà vệ sinh công cộng, chủ yếu tập trung ở khu vực quận 1, 3 và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của một thành phố hơn 10 triệu dân, chưa kể khách du lịch vãng lai.
Trước đó, UBND Hà Nội cũng ra thông báo truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo thành phố về việc một doanh nghiệp đề xuất tài trợ 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố. Đổi lại, Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing (doanh nghiệp đề xuất đầu tư nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội) được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thòi gian 10 năm để thu hồi vốn, đồng thời, chịu trách nhiệm duy tu, duy trì các cầu vượt theo quy định. |