Dân Việt

Án oan Trần Văn Thêm: Người nhà bị hại uất hận vì chưa rõ hung thủ

Việt Đức 12/08/2016 10:49 GMT+7
Ngày tử tù Trần Văn Thêm được công khai xin lỗi, gia đình bị hại Nguyễn Khắc Văn chưa nguôi uất hận. Điều họ muốn biết: “Ai là người đã giết bố tôi?”.

Ngày 11.8, Liên ngành tư pháp Trung ương tổ chức xin lỗi công khai, và công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm (SN 1936, trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

Ông Thêm bị kết oán oan sai và mang thân phận bị án hơn 40 năm. Ông Thêm bị cáo buộc hành vi giết em họ - ông Nguyễn Khắc Văn để cướp của.

img

Ông Nguyễn Văn Quang vẫn còn trăn trở khi chưa biết rõ hung thủ giết cha mình, tên gì, trú ở đâu.

Trong lời phát biểu ở buổi công khai xin lỗi, ngoài lời cảm ơn cơ quan chức năng đã giải quyết oan sai thì điều ông Thêm mong muốn là: “Tôi có một mong muốn xin bà con làng xã quê hương và gia đình con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của tôi trong 46 năm qua. Từ nay về sau, con cháu anh em hai gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước đây”.

Đấy cũng là điều ông Thêm trăn trở, vì vốn dĩ, từ khi xảy ra oán oan, tình cảm anh em họ hàng giữa gia đình ông Thêm và gia đình ông Nguyễn Khắc Văn sứt mẻ.

Niềm trăn trở hơn 40 năm đến nay, ông Thêm được giải tỏa khi được cơ quan chức năng tổ chức xin lỗi, nhưng nỗi ấm ức của gia đình ông Nguyễn Khắc Văn đến ngày hôm qua vẫn chưa nguôi.

Bà Nguyễn Thị Hiện (con gái đầu của ông Văn) vẫn còn nhớ, ngày xưa tình cảm hai gia đình rất khăng khít. Trước khi ông Thêm và ông Văn đi chợ ở Vĩnh Phú (cũ) - nay là Vĩnh Phúc để mua trám, ông Thêm còn mang sang một con ngan, hai anh em cùng ngồi nhậu. Đùng một cái, được tin ông Văn bị đánh chết, ông Thêm được xác định là hung thủ, tình cảm họ hàng sứt mẻ.

Ông Thêm bị tuyên tử hình, nhưng đến gần 6 năm sau, ông được trở về nhà. “Lúc đó, chúng tôi thấy ông Thêm đi bộ một mình, ôm chiếc túi. Cũng như bao người tôi sang ngóng xem. Tôi cũng chẳng biết tại sao ông ấy được về”, bà Hiện kể lại.

Mẹ bà Hiện dặn con: “Anh em trong họ, các con cố nén lòng. Bố mình chết thì đã chết rồi, giờ sống với người sống… thôi tha để cho bác ấy về”. Chính vì lời căn dặn của mẹ, dù oán hận nhưng các con ông Văn cố kìm lòng.

img

Ông Trần Văn Thêm được dìu lên khán phòng của trung tâm văn hóa huyện dự buổi xin lỗi công khai.

Ngày 11.8, sau khi buổi công khai xin lỗi kết thúc, người nhà ông Văn đã bày tỏ thái độ bức xúc. Họ cho rằng, pháp luật vẫn thiếu lẽ công bằng.

Bà Nguyễn Thị Hiện cho hay: “Chúng tôi muốn lẽ công bằng đối với gia đình bị hại, làm rõ ai là người giết chết bố tôi. Bố tôi bị giết cách đây hơn 40 năm. Cơ quan chức năng bắt được nghi phạm, tại sao lại không đưa ra xét xử. Chúng tôi mong biết sự thật để hai gia đình không còn oán hận trong lương tâm”.

Ông Nguyễn Văn Quang (con trai thứ của ông Văn) tâm tư, từ trước đến nay, gia đình chỉ biết ông Thêm là hung thủ sát hại ông Nguyễn Khắc Văn. “Khi công bố ông Thêm vô tội, chúng tôi không được biết hung thủ sát hại bố tôi là ai, tên gì, trú ở thôn xã nào”.

Theo gia đình ông Văn, trước buổi xin lỗi ông Thêm một ngày, họ nhận được giấy mời của dự lễ công bố. Và điều họ mong muốn là biết được biết hung thủ thực sự. “Họ đã không có ý kiến gì về người nào giết bố tôi. Gia đình chúng tôi không biết ai giết bố. Gia đình chúng tôi đòi hỏi sự công bằng để khỏi uất hận”, ông Quang bày tỏ nỗi niềm.

Trong lễ công bố công khai, hung thủ gây án được nhắc tới chỉ vài dòng ngắn ngủi như: “Đối với các đối tượng giết ông Nguyễn Khắc Văn, Ty Công an Vĩnh Phú (cũ) đã xác định chính xác và đối tượng đã nhận tội”. Hay như: “Khoảng năm 1980 đến năm 1984, các đối tượng giết ông Văn đã chết”. Điều này càng làm họ thêm hận. Theo ông Quang, cái hận của gia đình là chưa biết ai giết ông Văn.

Theo nội dung vụ án, năm 1970, ông Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn từ Bắc Ninh lên huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) thu mua trám. Trời tối hai người nghỉ tại lều cắt tóc ven đường. Đêm đó, có đối tượng đã dùng búa đánh ông Văn và ông Thêm để cướp tài sản. Bị chống trả và hô hoán, tên cướp bỏ chạy. Ông Văn bị thương và tử vong sau đó, ông Thêm cũng bị thương vào đầu, nay vẫn để lại sẹo.

Sau đó ông Thêm bị cho là hung thủ, hai lần ra tòa ông phải nhận bản án tử hình. Tuy nhiên, hung thủ thật sau đó bị bắt, ông được trả tự do về địa phương.