Dân Việt

Nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn

Minh Long 14/08/2016 07:12 GMT+7
Đó là đánh giá chung của các chuyên gia, để hướng đến mục tiêu vào năm 2020 có 90% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn Việt Nam; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Cùng với đó, cần thay đổi nhận thức và cách tiếp cận trong quá trình triển khai Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (NSVS MTNT).

Mặc dù đạt được nhiều chuyển biến tích cực nhưng trong quá trình triển khai, Chương trình NSVS MTNT còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cả nước hiện chỉ có 2/3 công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn trong tổng số 12.600 công trình hoạt động hiệu quả; trong số 86% cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh thì gần 1/2 trong số đó được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn Việt Nam của Bộ Y tế….

Theo ông Lê Thiếu Sơn - Giám đốc Trung tâm Quốc gia NSVS MTNT (Bộ NNPTNT), năng lực quản lý điều hành ở các cấp, đặc biệt ở một số địa phương còn hạn chế, làm giảm hiệu lực và hiệu quả thực hiện các chính sách của Chính phủ. Các cơ chế chính sách chưa thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực tư nhân, làm chậm tiến trình xã hội hóa.

img

Hiện 86% dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.  Báo Lâm Đồng

Quản lý nhà nước trong lĩnh vực NSVS MTNT chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực của người dân và khu vực tư nhân”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng

“Các đơn vị liên quan đặc biệt là ở cấp Sở NNPTNT phải có hướng dẫn cụ thể, quy định cách thức những bước đi và giảm bớt thủ tục hành chính để các thành phần kinh tế không những biết mà người ta phải thấy rằng khi cùng tham gia đầu tư thì được tạo mọi điều kiện thuận lợi.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước và Trung tâm NSVS MTNT các tỉnh phải hỗ trợ kỹ thuật để khu vực tư nhân nắm bắt và quản lý khi vận hành, thậm chí có thể hỗ trợ tài chính lúc mới triển khai” – ông Sơn cho chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Hiểu - Giám đốc Trung tâm NSVS MTNT tỉnh Nam Định chia sẻ: Để đạt mục tiêu năm 2016 tăng hơn 9% tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch cần nguồn vốn đầu tư hơn 370 tỷ đồng, cùng với hỗ trợ từ phía Trung ương, tỉnh đã xây dựng “Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu”.

Theo đó, Nam Định tập trung kêu gọi các nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế theo mô hình công – tư (PPP). “Từ năm 2016 trở đi Chương trình NSVS MTNT lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có rất nhiều lĩnh vực và việc phải làm, trong khi nguồn lực của Trung ương và cấp tỉnh còn hạn chế. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thu hút khu vực tư nhân, thông qua theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Theo đó, chúng tôi thí điểm triển khai “mô hình cấp nước liên xã” tại xã Trung Đông huyện Trực Ninh và xã Nam Thanh – Nam Hải, huyện Nam Trực” - ông Hiểu cho biết.

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, trong quá trình triển khai chương trình phải thay đổi cách tiếp cận, lấy người dân làm chủ thể trong rà soát, xây dựng quy hoạch và thúc đẩy các dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Đối với những hệ thống lớn phải khuyến khích khu vực doanh nghiệp, hình thành thị trường nước sạch minh bạch. Trong đó các công cụ nhà nước như giá nước phải hợp lý cộng với hỗ trợ cho đối tượng người nghèo. Vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa đảm bảo thúc đẩy khu vực tư để cung cấp các dịch vụ công.