Thuyền trưởng Phạm Phú Thành - chủ tàu Qna-95959TS (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bị tàu lạ đâm chìm ở Hoàng Sa hôm 3.5 chia sẻ với NTNN/Dân Việt.
“Thà chết trên biển chứ trở về mà đau quá”
Không còn tàu và chưa có vốn đóng được tàu mới, thuyền trưởng Thành đang chuẩn bị sửa lại chiếc thúng chai để hành nghề lưới gần bờ kiếm sống qua ngày. Ảnh: T.H
Vào khoảng 23 giờ ngày 3.5, tàu cá mang số hiệu Qna-95959TS do ông Phạm Phú Thành (trú xã Bình Minh) làm thuyền trưởng, trên tàu có 34 thuyền viên đang hành nghề câu mực tại tọa độ 19,00 độ vĩ Bắc-114,00 độ kinh Đông (cách Đà Nẵng khoảng 350 hải lý về hướng Đông Bắc) thì bị một tàu lạ đâm chìm, toàn bộ thuyền viên trên tàu bị rơi xuống biển trong đêm. |
Gần 3 tháng kể từ ngày trở về từ cõi chết, nhưng gia đình ông Thành lúc nào cũng có anh em ngư dân trong vùng đến nhà chia sẻ, tâm sự chuyện nghề biển nhằm giúp thuyền trưởng Thành vơi đi nỗi nhớ biển, nhớ tàu.
“Từ khi tàu bị đâm chìm đến nay gần 3 tháng, thời gian đó tôi như người mất hồn, vì quá đau xót khi bao nhiêu của cải dành dụm được đã bị bọn ác nhân đâm chìm dưới đáy biển. Sau khi tàu bị chìm, tôi được các cấp ngành quan tâm hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để sớm thực hiện ước mơ có lại tàu vươn khơi bám biển. Nhưng đến nay vẫn chỉ là lý thuyết thôi chứ hiện thực là hai từ “ước mơ”. Phía Bảo hiểm Bảo Việt họ đã vào kiểm tra thống kê thiệt hại, khẩn trương chi trả tiền bảo hiểm cho tôi trong thời gian sớm nhất.
Nhưng đến nay, tôi vẫn chưa nghe nói gì bảo hiểm bồi thường. Trước đó, tôi nghe nói có tổ chức Liên danh Công ty CP Kobe Việt và tổ chức phi lợi nhuận International Small Vessel Recycle Project đề nghị tặng một chiếc tàu đánh cá. Chiếc tàu này được sản xuất tại Nhật Bản. Nhưng đến nay, các cấp ngành huyện và tỉnh nói tàu đó nhỏ không thể vươn khơi xa được, nên không cho nhận. Tàu nhỏ hay lớn không quan trọng, quan trọng họ hỗ trợ mình thì mình nhận, không vươn khơi xa được thì mình đánh bắt gần bờ giải quyết cuộc sống gia đình trước, chứ ngồi đây chờ hỗ trợ thì bao giờ mới có tàu lớn để vươn khơi bám biển đây…” - thuyền trưởng Thành nói.
Hớp chén trà, thuyền trưởng Thành nói tiếp: Hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa, đây là năm cơ cực nhất đời ngư dân của tôi, giữa mùa làm ăn mà thất nghiệp, vì không còn tàu, lo sợ đói và thất nghiệp nên con trai tôi cũng là thuyền viên trên tàu đã chọn con đường thoát thân, ra Đà Nẵng làm thuê, bưng cơm. Hơn 30 ngư dân còn lại, họ chia nhau đi tìm các tàu bạn khác làm công, chứ mình đâu còn tàu mà họ chờ mình, chờ chỉ có đói chung với nhau.
“Trắng tay rồi, cần vốn vươn khơi bám biển, tỉnh cùng các ban ngành phải làm sao có tiếng nói chung, tạo điều kiện để ngân hàng giải ngân cho vay đóng tàu mới. Nghe nói tỉnh đã duyệt đóng tàu theo Nghị định 67, nhưng ngân hàng không chịu tiếp cận, họ nói có thiết kế đóng tàu mới vào được ngân hàng. Ổng (ý nói các sở, ban ngành-PV) không thúc đẩy thì sao ngân hàng giải ngân được, đừng nói lý thuyết với ngư dân chúng tôi nữa. Một lần đau ở biển là xót rồi, nay lại đau một lần ở bờ thì càng xót hơn…” - ông Thành đau buồn.
Thủ tục khó, ngư dân bị “chùn chân”!
Sau khi trở về đất liền, thuyền trưởng Thành (trái) được cán bộ xã Bình Minh tận tình hỗ trợ
pháp lý để sớm được Bảo hiểm Bảo Việt bồi thường, nhưng đến nay gần 3 tháng vẫn chưa
nhận được tiền bảo hiểm. Ảnh: T.H
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm gặp ông Huỳnh Bá Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt Quảng Nam. Ông Thanh cho biết: “Thủ tục bảo hiểm của tàu câu mực Phạm Phú Thành đã xong, hiện đang chờ phía công ty tổng duyệt và chi trả tiền bảo hiểm sớm nhất trong vài ngày tới cho ông Thành”.
Có mặt tại nhà ông Thành để chia sẻ, ngư dân Trần Thanh Trà (SN 1966, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cho rằng, hoàn cảnh của anh Thành bây giờ rất khó khăn, trong khi của cải dành dụm cả đời mới được mà bị tàu lạ đâm chìm, may mắn còn giữ được tính mạng trở về. Nhưng trở về bây giờ cũng trắng tay rồi, cần có tàu mới vươn khơi, nhưng tiền đâu mà đóng tàu, trong khi đó nợ nần chồng chất.
“Thấy thương ảnh, nên sau những ngày đi biển trở về, sáng nào tôi cũng lên nhà ảnh cùng nhau uống ly cà phê rồi tâm sự, chia sẻ với ảnh qua những tháng ngày đau xót và giúp ảnh vơi đi những ngày nhớ biển, nhớ tàu. Tôi cũng mong rằng bảo hiểm sớm chi trả tiền cho ảnh để ảnh sắm sửa lại tàu tiếp tục vươn khơi. Cả đời làm nghề biển, bây giờ ở nhà buồn và đau lắm, mục đích vươn khơi bám biển cũng vì mưu sinh và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà thôi” - ngư dân Trà tâm sự.
Thuyền trưởng Phạm Phú Thành bảo, một năm tôi ở biển đến 9 tháng, còn nhà 3 tháng. Bây giờ bị “bó gối” ở nhà, đi ra đi vào nhớ biển quá chịu không nỗi. Tôi đang định sửa soạn lại cái thúng chai cũ để hành nghề lưới gần bờ kiếm sống qua ngày. “Từ cõi chết trở về thấy tính mạng mình rất quý giá. Nhưng trở về trong tay trắng, cuộc sống khó khăn hơn thì càng đau hơn, thà chết ở biển chứ trở về mà ngửa tay xin tiền thì nhục quá…” - ông Thành đau buồn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết: “Bây giờ có thể nói Nghị định 67 về tinh thần chung thì có triển khai, nhưng các ngân hàng vào cuộc chưa mặn mà lắm, nhà nước chỉ đạo ý chí, thực chất là tiền của doanh nghiệp, của cổ đông, nên thủ tục cực kỳ khó khăn.
Tàu bè nó rủi ro lớn mà nguồn vốn vay cũng lớn nữa, nên ngân hàng họ khó giải quyết. Còn việc hỗ trợ có chính sách hỗ trợ rồi và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm. Việc làm bây giờ là kêu gọi các cấp ngành sớm hỗ trợ cho thuyền trưởng Thành có lại được tàu để vươn khơi bám biển trong thời gian sớm nhất, đây vừa là kế sinh nhai vừa là bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Nếu ngư dân Thành cần thủ tục hay hỗ trợ gì Hội sẽ vào cuộc hỗ trợ ngay…”.
Từ hy vọng nhỏ nhoi lúc con tàu bị chìm, đến nay ngư dân Thành đã có thể hiện thực hóa mơ ước. Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam đến các ban, ngành liên quan cần sớm hoàn tất hồ sơ để thuyền trưởng, chủ tàu cá QNa-95959TS Phạm Phú Thành sớm được đóng tàu mới theo Nghị định 67. Nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay, thuyền trưởng Thành vẫn chưa tiếp cận được thủ tục, hồ sơ để được vay vốn đóng tàu mới? Câu hỏi này mong rằng ngư dân Thành sớm nhận được trả lời của các ngành chức năng tỉnh.