Dân Việt

Trung Quốc có gì trong kho chứa máy bay ở Biển Đông?

Quang Minh 13/08/2016 10:25 GMT+7
70 kho chứa máy bay Trung Quốc xây trên đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông là mối nguy rất lớn cho những nước trong khu vực, vì chúng có khả năng sử dụng cho đủ loại máy bay hiện đại và đa chức năng.

img

Loạt máy bay Trung Quốc đang cất giấu ở kho chứa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 10.8, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố hàng loạt ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang ngang ngược xây dựng kho chứa máy bay ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cụ thể, trên ba đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập, Trung Quốc trái phép củng cố và xây dựng kho chứa máy bay. Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, 70 kho chứa này nằm trong mưu đồ dài hơi của Bắc Kinh nhằm từng bước chiếm quyền kiểm soát Biển Đông rộng lớn.

img

Ảnh vệ tinh của CSIS với những kho chứa máy bay mới xuất hiện trên đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Andrew Shearer, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Thủ tướng Úc Tony Abbotts nhận định, với sự hỗ trợ của nhiều loại máy bay đồn trú ở các kho chứa trên Biển Đông, Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trái phép như nước này từng ngang ngược tuyên bố gần đây. Câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là các kho chứa này có máy bay gì?

Thời điểm trung tâm CSIS đăng tải hình ảnh nêu trên không hề xuất hiện máy bay quân sự, tuy nhiên tờ New York Times khẳng định “kho chứa đủ rộng để đậu mọi máy bay chiến đấu của Quân giải phóng Nhân dân (PLA)”.

New York Times cũng nhận định kho chứa lớn hơn có thể dùng cho máy bay Kiểm soát và Cảnh báo sớm KJ200, máy bay tiếp nhiên liệu H-6U, máy bay ném bom chiến lược H-6K, vận tải cơ Y-8.

1. Máy bay Kiểm soát và Cảnh báo sớm (AWACS) KJ200.

img

Máy bay này được Trung Quốc gọi là “Không Cảnh” (cảnh giới trên không) được tập đoàn công nghiệp máy bay Thiểm Tây nghiên cứu chế tạo. Điểm mấu chốt của máy bay là hệ thống radar AESA gắn ở đuôi sau cũng như cảm biến dưới bụng. Máy bay thiết kế dựa trên nền tảng máy bay Thiểm Tây Y-8F-600.

Máy bay KJ200 thừa hưởng 80% thiết kế của Y-8F-600 do kiến trúc sư trưởng chính là người chế tạo ra phi cơ Y-8. Năm 2006, máy bay KJ200 từng đâm vào núi khi bay thử nghiệm.

Năm 2009, trong ngày kỉ niệm quốc khánh Trung Quốc, KJ200 là máy bay dẫn đầu đoàn duyệt binh của Không quân Trung Quốc.

2. Máy bay ném bom chiến lược H6-K

img

Máy bay H6-K được Trung Quốc gọi là “Oanh”, bay lần đầu tháng 1.2007 trước khi gia nhập biên chế năm 2009. Với máy bay H6-K, Trung Quốc là nước thứ tư trên thế giới sở hữu máy bay ném bom chiến lược sau Mỹ, Nga, Anh. H6-K sử dụng vật liệu composite với động cơ từ chiếc Soloviev D-30 giúp máy bay hoạt động lên tới 3.500km.

Ngoài ra, máy bay sở hữu màn hình LCD đa chức năng, phần mũi được thiết kế lại để bắt radar nhạy hơn. Máy bay H6-K được thiết kế cho mục tiêu tấn công tầm xa và đánh chặn. Nó có thể tấn công hạm đội tàu sân bay Mỹ hoặc những mục tiêu rải khắp châu Á. Điểm đáng lưu ý là máy bay này mang được vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, H6-K đã được cải tiến rất nhiều với những vũ khí hiện đại. Máy bay này chở theo sáu tên lửa chống hạm YJ-12, sáu tên lửa tấn công mặt đất. Một phi đội 18 chiếc H6-K có thể bắn liên tục 100 quả tên lửa siêu âm vào đội hình tàu chiến của đối phương.

Dù máy bay này có phần mũi cải tiến hệ thống radar không đối đất, tuy nhiên không rõ liệu H6-K có thể thu thập dữ liệu chính xác để tấn công mục tiêu hiệu quả hay không.

3. Máy bay vận tải Y-8

img

Máy bay vận tải Y-8 được Trung Quốc khoe là phi cơ vận tải quân sự. Tuy nhiên, tuần san Liêu Vọng khẳng định những máy bay này trực thuộc đơn vị đặc biệt mang tên “Ưng biển”. Nhiệm vụ chủ yếu của “Ưng biển” là do thám, thu thập thông tin dân sự và quân sự ở Biển Đông.

"Chim ưng biển" là đơn vị đa nhiệm duy nhất có thể hoạt động phòng không cảnh báo sớm, chỉ huy và kiểm soát, truyền dữ liệu chiến thuật và chỉ thị mục tiêu từ xa.

4. Phi cơ tiếp dầu H-6U

img

Một phiên bản khác của máy bay “Oanh” là H-6U với chức năng tiếp nhiên liệu.

5. Chiến đấu cơ J-11

img

Thẩm Dương J-11 là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 của Không quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc dựa trên kiểu máy bay Sukhoi Su-27SK. Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về bản quyền để chế tạo 200 chiếc Sukhoi 27S trong nước năm 1996 và Nga sẽ cung cấp hệ thống điện tử, radar và động cơ. Nhưng đến năm 2006 thỏa thuận bị dẹp bỏ vì Nga phát hiện Trung Quốc sao chép động cơ và công nghệ để làm ra một phiên bản khác là chiếc J-11.

Máy bay J-11 có tầm bay 3.700km, vận tốc 2.500km/ giờ (Mach 2,35). Máy bay này có bán kính chiến đấu khoảng 2.000km, trần bay 19km và trọng lượng 33 tấn. Vũ khí của J-11 đến nay vẫn còn nhiều ẩn số.