Đó là hình ảnh ám ảnh với nhiều người yêu Thể thao Việt Nam cách đây 2 ngày. Thắng thì vui thật đấy. Tự xoay sở để vượt qua những nghịch cảnh cũng đẹp thật đấy. Nhưng, hình ảnh hai VĐV Việt Nam "dựa lưng vào nhau" để thi đấu với cả một tập thể hỗ trợ bài bản phía đối thủ, nhìn sao ngậm ngùi, xót xa.
Tiến Minh và Vũ Trang không cần HLV đi theo.
Chưa hết, phóng viên Tuấn Cương của TTXVN báo về từ Rio: Gần 2 tiếng sau khi Tiến Minh thi đấu xong, tôi mới gặp được anh để phỏng vấn. Không phải anh chảnh, mà đơn giản vì ngay sau khi đánh bại Vladimir Malkov, anh lại phải chạy sang sân tập để giúp cô bạn gái Vũ Thị Trang tập luyện. Ở Olympic này, họ là những VĐV-HLV đặc biệt nhất. Khi Minh thi đấu thì Trang là... HLV, và ngược lại.
Nói thêm, Tiến Minh và Vũ Trang đã không cần HLV đi theo. Bởi, thực tế: không HLV trong nước nào đủ tầm để chỉ đạo anh.
Đó không phải là sự ngạo mạn, đó là sự thật. Tay vợt đã từng vươn tới thứ 5 thế giới đã giữ đỉnh của Việt Nam rất lâu. Anh đã hơn một lần đơn thương, độc mã đi đấu giải. Anh cũng đã từng một mình hát Tiến quân ca, giữa sân vận động rộng lớn xứ người.
Olympic không phải câu chuyện ngôn tình. Đó là sân chơi thể thao lớn nhất thế giới. Đó là nơi chúng ta được trải nghiệm mọi cung bậc thăng giáng tột đỉnh của cuộc sống.
Nhưng, nhìn lại chặng đường của Tiến Minh, từ tay vợt phong trào. Thất bại liên tiếp trong các trận đấu lớn. Tự lực vươn lên tầm cao của thế giới. Rồi cũng một mình lủi thủ xách vợt đi về sau những thất bại.
Chúng ta có quyền gây áp lực cho Tiến Minh- Vũ Trang ở kỳ Olympic này?
Câu trả lời là không. Với những gì chúng ta đã trang bị cho họ, đừng quá chú tâm vào điểm số.
Hãy xem Minh cũng Trang thi đấu, với tất cả sự chân thành và thấu cảm.
Hãy mở lòng, cùng tất cả những rung động rất khẽ, về câu chuyện hai vận động viên Việt đơn thương thi đấu với hàng loạt đối thủ trang bị hùng hậu.
Và hơn hết thảy, hãy trân quý khoảnh khắc thiêng liêng, khi tình yêu lứa đôi quyện hòa cùng màu cờ, sắc áo...