Không gian 300 khán giả của khán phòng Nguỵ Như Kon Tum với các điều kiện kỹ thuật đủ tiêu chuẩn để ban nhạc chơi sống và ca sĩ hát thật đòi hỏi đầu tư không thể nhỏ, nhưng nói như người biên tập của chương trình Không gian âm nhạc, nếu không đặt ra một giá vé phù hợp, dự án hay đến mấy cũng chết yểu vì thu không bù nổi chi.
Lê Cát Trọng Lý - ca sĩ mở đầu cho chương trình Không gian âm nhạc ở Thủ đô |
Cũng chung cách giải thích này, bà chủ của The rooftop – nơi đang thực hiện dự án Music on the roof do nhạc sĩ Huy Tuấn chịu trách nhiệm về nghệ thuật, cho biết chị đã chấp nhận mỗi đêm diễn không có phần “ăn uống” cho thực khách mà chỉ có âm nhạc.
Anh Trung, một khán giả cho biết: “Tôi nghe nhạc từ khi còn đi học. Cũng có dịp sống tại một số nước, tôi đã mong muốn ở Việt Nam có những chương trình ca nhạc đẳng cấp như thế này từ lâu lắm rồi. Và khi có rồi, tất nhiên mình không bỏ qua buổi nào”.
Hiện là một giám đốc doanh nghiệp, với anh Trung vài triệu đồng cho một cặp vé ca nhạc như thế này mỗi tháng là không quá lớn, “chỉ cần chương trình giữ đều về chất lượng và ngày càng hay hơn”. Anh Trung không phải người duy nhất chấp nhận “xài sang” cho nhu cầu thưởng thức đơn thuần. Bằng chứng là những buổi diễn của những nơi có giá vé cao ngất ngưởng này vẫn kín chỗ.
“Nếu lấy giá trị một chiếc vé hay giấy mời ra để định vị sự thưởng thức của khán giả thì có phần phiến diện. Nhưng điều quan trọng là khi thực hiện các dự án này, chúng tôi hướng tới một đối tượng khán giả mà chúng tôi biết có gu thưởng thức riêng, có niềm đam mê nhất định với âm nhạc và chấp nhận bỏ một khoản tiền trong thu nhập của mình để được nghe nhạc thật, nhạc hay”, nhạc sĩ Huy Tuấn nói.
Sự ra mắt của không gian nghệ thuật Maison Sens vừa qua được cho là tiếp nối cách làm các chương trình nghệ thuật mới tại Hà Nội. Được biết nhạc sĩ Quốc Bảo sẽ xây dựng tụ điểm này theo mô hình phòng trà “Hà Nội cũ, Sài Gòn xưa” với nhạc Pháp xưa hay nhạc tiền chiến… Sự khác biệt ở đây là các ca sĩ biểu diễn hàng đêm không phải ngôi sao mà là nghệ sĩ underground – những nghệ sĩ nghiệp dư đa mang nghiệp hát.
Các dự án nghệ thuật như thế đang tạo nên một làn gió mới tích cực dù chỉ thoả mãn nhu cầu thưởng thức của một bộ phận khán giả nhất định. Nó cũng tạo ra một đối trọng cần thiết để khán giả nói chung định vị được sự khác biệt giữa giải trí và thưởng thức.