Trao đổi với VnExpress chiều 13.8, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.Đà Nẵng, cho biết thành phố đã duyệt phương án thiết kế mở thêm những cửa hút không khí và gió vào toà nhà trung tâm hành chính.
Ông Quỳnh thừa nhận, toà nhà khi đi vào hoạt động đã gặp phải sự cố thiếu oxy và nóng. Trong năm 2014 và 2015, UBND TP chỉ đạo Sở Khoa học Công nghệ thuê các đơn vị chuyên môn đo hàm lượng khí tươi. Kết quả đợt kiểm tra lần 1 có 13/14 mẫu khí không đạt theo tiêu chuẩn thiết kế. Sau đó, thành phố đã cho xử lý lại các cửa hút khí tươi, kiểm tra lần 2 thì đạt yêu cầu. "Trong năm 2016 chúng tôi chưa đo lại khí tươi", ông Quỳnh nói.
Toà nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng thiết kế hình tròn với biểu tượng ngọn hải đăng ven sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo ông Quỳnh, toà nhà nóng do toàn bộ được bao bọc bằng kính, các phòng ở phía Tây bị nóng nhiều hơn dẫn đến công chức làm việc cảm thấy khó chịu. Còn tình trạng thiếu oxy xảy ra không thường xuyên, tuỳ từng thời điểm và vị trí.
Trong đó, thiếu khí chủ yếu xảy ra ở các phòng họp đông người. Ở mỗi tầng đều có phòng họp với sức chứa từ 40 đến 100 người. "Lúc các cuộc họp mới diễn ra, không có tình trạng thiếu khí oxy, nhưng về cuối buổi họp có hiện tượng hơi ngạt, và đo thì thấy thiếu khí", ông Quỳnh nói thêm.
Người phát ngôn thành phố cho biết, khi nghiệm thu toà nhà đã tính đến phương án cung cấp khí cho các phòng họp đông người. Ở các tầng đều có họng thoát khí và hút, lọc gió theo thiết kế. Tuy nhiên khi vận hành thực tế, họng thoát khí này chỉ cần lệch đi một chút là đã thay đổi lượng khí bên trong.
Công chức làm việc bên trong toà nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Trước hiện tượng nêu trên, Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng và Viện quy hoạch lập phương án mở thêm cửa hút không khí và gió. "Không phải trổ thêm cửa sổ vì điều kiện thời tiết thường xuyên mưa bão. Sở xây dựng đã thẩm định, trình thành phố phê duyệt, sắp tới sẽ đấu thầu, triển khai thực hiện. Ngoài ra, đã có đề xuất một số giải pháp khác, như che bên trong hay mở thêm cửa thoát khí để giải quyết tình trạng nóng", ông Quỳnh nói.
Trả lời câu hỏi có thông tin nhiều người không chịu được môi trường thiếu khí trong toà nhà đã xin ra các đơn vị hành chính sự nghiệp ngoài toà nhà làm việc, ông Quỳnh nói: "Một số chị em có thai, đi lên đi xuống cầu thang hoặc lên độ cao thì có thể cảm giác sợ. Không biết ở khối sở ngành thế nào, còn ở văn phòng uỷ ban không có ai xin chuyển ra ngoài".
Di chuyển trung tâm hành chính là "tương lai"
Ông Tô Văn Hùng, trưởng Ban đô thị HĐND, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.Đà Nẵng, cho biết không có chuyện thành phố di dời trung tâm hành chính ở thời điểm hiện tại, đây là chủ trương lâu dài. "Hiện nay thành phố mới chỉ phát triển về phía đông và phía nam thôi, còn một số vùng nữa chưa phát triển. Trong tương lai dân số tăng lên 3 triệu hay 3,5 triệu thì việc hình thành một trung tâm hành chính mới là vấn đề phải đặt ra", ông Hùng nói.
4 tầng đế của Trung tâm hành chính Đà Nẵng có một số cửa sổ, còn từ tầng 5 trở lên được kính bao bọc xung quanh, không có cửa sổ. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Trần Đình Quỳnh cũng cho hay di dời trung tâm hành chính là định hướng lâu dài, khi dân số phát triển, ùn tắc giao thông, hoặc là toà nhà cũ kỹ, công năng không còn phù hợp, có vị trí khác thuận lợi hơn thì mới chuyển.
"Khi có người đặt vấn đề toà nhà không phù hợp công năng thì thành phố cũng đặt ra câu chuyện di dời. Mình nghe ý kiến của mọi người để có phương án tốt nhất, chứ không phải đã quyết định. Vì quyết định còn phải báo cáo Thủ tướng, lấy ý kiến người dân, trình HĐND thành phố", ông Quỳnh nói thêm.
Trước đó tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng khoá 9 ngày 11.8, đại biểu Trần Văn Trường đã chất vấn việc Đà Nẵng sẽ chuyển các sở, ngành khỏi trung tâm hành chính 2.000 tỷ. Toà nhà này được cho là do cố Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khởi xướng. Hoàn thành và đưa vào sử dụng hồi tháng 9.2014, Trung tâm hành chính Đà Nẵng có quy mô 37 tầng (trong đó có 2 tầng hầm, 34 tầng nổi và 1 tầng thượng), tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.