Dân Việt

"Người rừng" ở Campuchia đoàn tụ với cha ruột tại Việt Nam

Cao Lực 14/08/2016 09:32 GMT+7
Tak, cô gái thường được gọi là “người rừng”, đã đoàn tụ với cha ruột ở Việt Nam hôm 13.8 sau hơn 10 năm sống trong một gia đình Campuchia.

Nhiều người vẫn thường gọi Tak là “người rừng” vì họ tin rằng Tak từng sống 18 năm trong rừng rậm Campuchia.

Trước đó, vào năm 2007, cô bị một người nông dân Campuchia tên Sal Lou - ở tỉnh Rattanakiri - bắt khi lẻn vào làng trộm thức ăn. Nhìn bộ dạng bộ lấm lem bùn đất, không mảnh vải che thân của Tak, người này lầm tưởng Tak là cô con gái Rochom P'ngieng thất lạc lâu năm của mình và kể từ đó, cả gia đình ông ta chăm sóc Tak.

Rochom mất tích năm 1989 khi mới 8 tuổi, giữa lúc chăn trâu ở gần biên giới Việt Nam.

Tuy nhiên, vào tháng trước, một người đàn ông Việt Nam tên Peo, 70 tuổi, đã đến gặp gia đình Campuchia trên và đưa ra các bằng khẳng định Tak chính là con ruột của ông, theo hãng tin AP. Ông Peo cho biết Tak thất lạc vào năm 2006, đúng 1 năm trước khi gia đình Campuchia tìm thấy cô.

img

Tak quay về Việt Nam đoàn tụ với gia đình sau hơn 10 năm sống nhầm trong một gia đình Campuchia. Ảnh: News Sky

Trong khi gia đình bên Campuchia không đưa ra được xét nghiệm ADN để chứng minh quan hệ ruột thịt, ông Peo chứng minh Tak là con gái mình bằng nhiều giấy tờ.

Ông Peo tiết lộ ông nhận ra đứa con đáng thương bị tâm thần của mình sau khi thấy ảnh được đăng tải trên Facebook. Rochom Khamphy, anh trai của Tak trong gia đình Campuchia, cho biết dù rất buồn nhưng đã chấp nhận để “người rừng” đoàn tụ với cha ruột vào hôm 13.8.

“Chúng tôi giao Tak lại cho người cha Việt của cô ấy. Cả gia đình tôi và họ hàng người Việt của Tak đều bật khóc khi thấy cảnh đoàn tụ. Chúng tôi sẽ nhớ cô ấy” - Rochom Khamphy nghẹn ngào chia sẻ.

Theo lời kể của gia đình Campuchia, Tak gặp rất nhiều khó khăn khi quay lại với cuộc sống bình thường. Cô không muốn mặc quần áo, không muốn ngủ trong nhà và nhiều lần muốn trốn nhà, quay lại rừng.

Ông Ma Vicheth, người đứng đầu huyện O'Yadav, nói lẽ ra phải có tòa án đồng ý thì Tak mới được về Việt Nam. Tuy nhiên, do cả 2 gia đình Việt và Campuchia đều là người dân tộc thiểu số Jarai (Gia Rai) nên họ được hành xử theo tập tục riêng.