Dân Việt

Lực lượng cảnh vệ được nổ súng trong những trường hợp nào?

Lương Kết 15/08/2016 10:45 GMT+7
Theo Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, quy định cảnh vệ nổ súng để đe dọa, trấn áp là rất quan trọng, tất cả các nước đều có, chứ không phải chỉ tiếp cận với đối tượng vi phạm.

Sáng 15.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc phiên họp thứ hai cho ý kiến về Luật Cảnh vệ. Một trong những quy định của dự thảo luật đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, đó là quy định trường hợp lực lượng cảnh vệ được nổ súng.

img

(Ảnh minh họa)

Theo dự thảo Luật Cảnh vệ, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được nổ súng trong các trường hợp sau đây:

1. Để cảnh cáo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ.

2. Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả.

3. Để tiêu diệt đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc các chất độc hại khác tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ.

4. Các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), có một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với quy định của dự thảo luật. Bên cạnh đó một số ý kiến đề nghị chỉ quy định có tính nguyên tắc đối với lực lượng cảnh vệ khi thi hành công vụ. Còn việc sử dụng vũ khí trong các trường hợp cụ thể phải tuân thủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (luật này hiện đang được xây dựng), không nên quy định việc nổ súng riêng cho từng lực lượng có nhiệm vụ thực hiện công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

"Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc quy định các trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ là cần thiết. Ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì luật này cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối, an toàn đối tượng cảnh vệ. Do đó, đề nghị nghiên cứu thiết kế lại để quy định bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng", Thượng tướng Võ Trọng Việt cho hay.

Góp ý vào vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần phải cân nhắc quy định một số trường hợp cảnh vệ được nổ súng, bởi lực lượng cảnh vệ làm nhiệm vụ trong những trường hợp cấp bách nào thì được nổ súng phải quy định ngay vào luật, còn khi nâng Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lên thành luật thì tính toán cho phù hợp tránh mâu thuẫn chồng chéo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải cân nhắc quy định cảnh vệ được nổ súng, bởi không sẽ trao quyền quá lớn cho sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, lực lượng cảnh vệ được học võ, khi có đối tượng đột nhập vào khu vực bảo vệ thì lực lượng này có thể dùng nghiệp vụ võ thuật để khống chế, bắt đối tượng đột nhập, chứ chưa cần phải nổ súng.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trong dự luật quy định nổ súng để gây thương tích cho đối tượng đột nhập vào khu vực, mục tiêu bảo vệ, nhưng gây thương tích không nhất thiết phải nổ súng. Còn nổ súng nổ vào đâu, nổ vào chân đối tượng đột nhập chứ đừng quy định tiêu diệt sớm quá.

Giải trình thêm, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) cho rằng: Quy định nổ súng là vấn đề hết sức cần thiết đối với lực lượng cảnh vệ, thực ra cho đến ngày nay đối chiếu thực tế với quy định nổ súng trong dự luật thấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu...

"Quy định cảnh vệ được nổ súng để đe dọa, trấn áp đối tượng vi phạm là rất quan trọng, tất cả các nước đều có, chứ không phải chỉ tiếp cận với đối tượng vi phạm. Nếu quy định khắt khe quá nhiều khi anh em cảnh vệ làm nhiệm vụ gặp tình huống không dám nổ súng vì luôn luôn sợ vi phạm pháp luật", Thượng tướng Tô Lâm nói.