Dân Việt

Những lãnh đạo cấp cao nào sẽ được bảo vệ tại nhà riêng?

Ngọc Lương 15/08/2016 12:22 GMT+7
Sáng nay (15.8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ hai cho ý kiến về dự thảo Luật Cảnh vệ. Đây là dự thảo luật được xây dựng để thay thế cho Pháp lệnh Cảnh vệ hiện hành.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cảnh vệ) cho biết, dự thảo Luật quy định các đối tượng được cảnh vệ bao gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao. So với Pháp lệnh cảnh vệ hiện hành, dự thảo đưa thêm đối tượng được cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

img

Lực lượng cảnh sát bảo vệ mục tiêu.

Cũng theo dự thảo luật, đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ sau đây:

Một là bảo vệ tiếp cận.

Hai là bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở và nơi làm việc.

Ba là kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, các tác nhân khác, kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng.

Bốn là tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết.

Năm là khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường. Khi đi công tác trong nước, ngoài nước bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ. Khi đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường hộ tống bảo vệ.

Sáu là khi đi công tác tại các địa phương trong nước hoặc đi công tác nước ngoài được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ.

Bảy là các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và Luật An ninh quốc gia.

Thượng tướng Tô Lâm cho biết thêm: Pháp luật hiện hành quy định đối với các đồng chí là nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết.

"Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi không còn đương chức, nơi ở của các đồng chí nêu trên thường không cố định, có đồng chí ở cùng con cháu hoặc về quê sinh sống nên rất khó áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở. Mặt khác, qua tham khảo pháp luật cảnh vệ của một số nước trên thế giới như Nga, Hàn Quốc thì cũng không áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở trong trường hợp nêu trên. Vì vậy, dự thảo luật chỉ quy định các đồng chí này được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết mà không quy định việc áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở đối với những đồng chí này", Thượng tướng Tô Lâm cho hay.

Liên quan đến việc mở rộng đối tượng cảnh vệ, theo Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật Cảnh vệ): Đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại pháp lệnh hiện hành. Vì khi bổ sung các đối tượng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung, như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên mở rộng đối tượng cảnh vệ, vì trong thực tế những đối tượng đề nghị mở rộng đều thuộc cơ cấu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tức là đã thuộc đối tượng được cảnh vệ.