Dân Việt

Đâu rồi lễ khai giảng ngày xưa?

Đặng Thành Trung 28/08/2016 16:09 GMT+7
Tôi không sao quên được ngày lễ khai giảng khi còn là học sinh phổ thông. Hồi ấy, cứ mỗi lần đến ngày 5.9 là tôi háo hức mặc quần áo mới đi dự lễ khai giảng. Cả nhóm trẻ con trong xóm nhốn nha nhốn nháo từ tờ mờ sáng, xúng xính quần áo, dắt tay nhau đến trường làng.

Đứa nào cũng nôn nao để mong gặp được bạn mới, thầy cô mới và nhất là được xem các bạn trong đội văn nghệ của trường múa hát linh đình. Thường khoảng 3.9 hoặc 4.9 mỗi năm, chúng tôi đã tò mò vào trường để biết phòng học, lớp mới và tên giáo viên chủ nhiệm.

Vì vậy mà trước giờ khai giảng, từng học sinh không đợi thầy cô nhắc nhở cũng biết tự giác ngồi xếp hàng dài ngay ngắn, theo từng lớp đã được thầy giám thị chỉ định. Mỗi lớp có hai dãy, nam và nữ riêng biệt. Thời gian này chúng tôi tranh thủ làm quen những người bạn mới ngồi gần mình để không khỏi ngàng.

img

Học sinh tiểu học dự lễ khai giảng. Ảnh: Dân Việt

Giữa cái lung linh ấm áp của sáng đầu tháng 9, sân trường tràn ngập lá bàng lá phượng rơi. Chúng tôi chăm chú theo dõi thời khắc quan trọng, khi tiếng trống khai trường vang lên.  Thầy hiệu trưởng xuất hiện trên bục sân khấu phát biểu. Tôi không nhớ rõ nội dung, nhưng đại khái thầy chúc các học trò học tốt và nêu những trăn trở, khó khăn cũng như thuận lợi của trường. Tiếp đến là phần góp ý của vài thầy cô cùng quý đại biểu. Nói chung là ngắn gọn, chỉ vài câu chào mừng. Sau cùng là tiết mục văn nghệ. Những bạn trong đội văn nghệ của trường hát tặng mọi người những ca khúc về ngày khai giảng trong niềm hân hoan.

Khi lễ khai giảng kết thúc, các lớp nán lại để giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt khoảng 30 phút. Thường thầy cô sẽ giới thiệu về mình và ghi thời khóa biểu cho học sinh chép. Chỉ thế thôi nhưng ai cũng ra về trong vui vẻ.

Theo thời gian, vạn vật thay đổi, lễ khai giảng cũng khác xưa. Nội dung ngọt ngào của truyện ngắn "Tôi đi học" mà nhà văn Thanh Tịnh đã viết không còn hợp thời nữa. Giờ thì người ta quan trọng hình thức thái quá. Lễ khai giảng không còn dành cho học sinh mà là cho người lớn. Các vị đại biểu, quý thầy cô thay phiên nhau nói, nói những ngôn từ bóng bẩy, dài lê thê. Thậm chí có vài quý đại biểu đến trễ, buộc mọi người phải chờ dài cả cổ.

Chỉ tội cho bọn trẻ ngồi bên dưới chỉ biết lắng tai nghe trong cái nóng đầu thu hầm hập, nhễ nhại mồ hôi. Nhiều bạn còn không hiểu thầy cô đã nói những gì bởi do trẻ quá ngán, chỉ mải lo buôn chuyện cùng bạn bè bên dưới.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thì từ “Khải giảng” được định nghĩa là: “Bắt đầu, mở đầu một năm học, một khóa học”. Vậy mà lễ khai giảng diễn ra nhưng học sinh đã học trước đó khoảng 15 ngày rồi. Bởi thế, trẻ không còn háo hức được làm quen bạn mới, được gặp thầy cô mới, phòng học mới. Ba tháng hè cũng chỉ còn trong hoài niệm.

Đâu rồi lễ khai giảng ngày xưa?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.