Mai Thịnh là 1 trong 180 trẻ em, đại diện cho trẻ em 30 tỉnh, thành trong cả nước đã tới tham dự Diễn đàn trẻ em quốc gia 2011 trong 3 ngày (8-10.8), tại Hà Nội.
Mỗi tiếng nói một tấm lòng
30 tỉnh mang về 30 thông điệp mà trẻ em (TE) muốn gửi gắm tới người lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc TE TP.Đà Nẵng cho biết: Ở thành phố, TE không gặp phải các vấn đề về bóc lột lao động hay đánh đập nhưng lại thường bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Cha mẹ bận rộn công việc hoặc cho rằng con còn nhỏ, chẳng cần gì ngoài việc ăn học nên thường ít quan tâm đến đời sống tinh thần của con, ít lắng nghe, trò chuyện với con. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, thường tự tìm thú vui cho mình như game, bạn bè xấu mà cha mẹ không biết để ngăn chặn. Vì thế, thông điệp chính của TE TP.Đà Nẵng là: Hãy để tình yêu thương sưởi ấm trái tim con trẻ”.
Các thành viên đoàn Kon Tum dự Diễn đàn trẻ em quốc gia 2011. |
Theo bà Hương, Đà Nẵng cũng đã hạn chế được tình trạng TE lang thang, bị bóc lột sức lao động. Người dân khi phát hiện ra địa phương mình có người lang thang (đa số là TE) thì đều báo cho cán bộ thành phố để họ đưa các em về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Sau khi điều tra, sàng lọc, nếu em nào có gia đình thì báo gia đình đưa về, em nào lang thang không nơi nương tựa sẽ được chăm sóc tại Trung tâm.
Em Kiều Anh (15 tuổi) đại diện cho TE tỉnh Quảng Trị mang đến thông điệp: “Một đòn roi nhỏ hằn vết thương sâu”. Em cho biết, đôi khi cha mẹ, thầy cô thường mượn cớ “yêu cho roi cho vọt” để đánh mắng con em mình mà không biết rằng điều đó làm tâm hồn của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng. Quảng Trị cũng là địa phương có điểm nóng khai thác vàng tại huyện Đakrông, nơi có hàng trăm trẻ em đang bị bóc lột lao động.
Quảng Nam mang thông điệp “Sân chơi cho TE”, Thanh Hoá mong muốn hạn chế lao động TE, bóc lột TE, Quảng Bình thiết tha với phòng chống đuối nước TE, Đồng Tháp ao ước TE được tham gia hoạt động xã hội, TP.Hồ Chí Minh hy vọng mọi TE được tôn trọng… Mỗi tiếng nói là một tấm lòng đại diện cho hàng chục triệu TE khát khao được yêu thương và sống an toàn, thân thiện.
Chưa hoàn thành chỉ tiêu về trẻ em
Theo ông Hoàng Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc TE (Bộ LĐTBXH), tính đến năm 2010, vẫn có đến 15/37 chỉ tiêu về TE (giai đoạn 2001-2010) không đạt, nhóm chỉ tiêu nước sạch, vệ sinh môi trường chỉ đạt 2/5, nhóm giáo dục đạt 4/7, nhóm bảo vệ TE đạt 4/10, văn hoá vui chơi chỉ được 3/10 tiêu chí. Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán, sao nhãng TE và TE vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Hàng năm có từ 1.000 - 1.400 em bị xâm hại tình dục, 2.000 -3.900 em bị bạo lực, 12.000 - 18.000 em chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Ông Tiến cho hay, ở nông thôn hiện nay, nhiều cha mẹ di cư kiếm sống xa nhà, để con lại cho ông bà và họ hàng nên các em thiếu vắng sự chăm sóc, dạy bảo tận tình. Ở các khu công nghiệp, do thiếu nhà trẻ, TE được gửi ở các nhà trẻ tư nhân, rất dễ bị xâm hại và mất an toàn. Còn ở khu đô thị vì thiếu khu vui chơi, thiếu nhà trẻ, TE bị nhốt trong nhà, bị sao nhãng hoặc sa vào các tệ nạn xấu.
“Hãy cho chúng em một môi trường sống an toàn, thân thiện” là chủ đề chính của Diễn đàn TE quốc gia 2011. Các em sẽ thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho mình. Các em mong muốn loại bỏ các nguy cơ xâm hại TE như bạo lực, xâm hại tình dục…; loại bỏ nguy cơ bóc lột TE (trẻ em lang thang, lao động TE); loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông. Đồng thời, các em cũng đề cao vai trò của chính mình trong việc cùng xây dựng môi trường an toàn, thân thiện.
Diệu Linh