Câu chuyện một người mẹ quyết tâm đòi công lý cho cô con gái 6 tuổi nghi bị xâm hại tình dục bởi một ông giá 76 tuổi ở Vũng Tàu đang khiến báo chí cũng như mạng xã hội sục sôi. Đó là điều dễ hiểu khi mà nạn ấu dâm là điều có thật, và những lão già mất nết cũng luôn có thật. Song, những nghi can phải đi tù oan vì những bản kết luận điều tra vội vàng cũng là điều có thật.
Ngày 9.8 mới đây, ông lão 80 tuổi Trần Văn Thêm mới thoát khỏi cái án oan giết người kéo dài hơn 40 năm cuộc đời. Đó là câu chuyện về một cuộc đời bị đánh cắp chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của những điều tra viên. Những điều tra viên ấy vốn không thù không oán với ông Thêm, họ chỉ vì tin vào suy đoán của mình, và áp lực muốn hoàn thành công việc mà đánh đập buộc người đàn ông ấy phải nhận tội và mang án oan suốt cuộc đời.
Ông Trần Văn Thêm- người tử tù mới được minh oan sau 41 năm mang án tử.
Bi kịch số phận của ông Trần Văn Thêm, cũng như nhiều “người tù thế kỷ” khác trên đất nước này thực ra giống nhau bởi lối suy đoán có tội của những người hành pháp. Tư duy suy đoán có tội là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến oan sai. Và, điều kinh khủng, khi cách nghĩ ấy không chỉ tồn tại ở một vài cá nhân điều tra viên. Tôi kinh hãi khi nhìn thấy cách nghĩ ấy tràn lan trên báo chí, trên mạng xã hội, từ rất nhiều thành phần xã hội, trong nghi án ấu dâm ở Vũng Tàu.
Ông già 76 tuổi ở Vũng Tàu bị một bà mẹ trẻ tố cáo đã có hành vi ấu dâm đối với cô con gái 6 tuổi của mình. Hành vi mà ông lão bị tố cáo không được bắt quả tang. Cho đến lúc này, mọi chứng cứ vẫn chỉ là lời kể của bé gái 6 tuổi, và đơn trình báo một chiều của một người đàn ông nước ngoài. Công an địa phương chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Nhưng, trên báo chí, trên mạng xã hội, ông lão 76 tuổi ấy đã mặc nhiên được coi là một kẻ ấu dâm nguy hiểm, một con ác quỷ đội lốt người. Dù cho nguyên tắc một người chỉ được coi là có tội sau khi tòa tuyên án thì ai cũng hiểu.
Ấu dâm là một chứng bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo một thống kê của Tổ chức bảo vệ trẻ em thế giới thì tại nước Mỹ, cứ 4 trẻ em gái thì có một em là nạn nhân của những kẻ ấu dâm. Nhưng điều đó không có nghĩa vì ghê sợ nạn ấu dâm mà bất cứ nghi can nào cũng nhanh chóng bị trừng trị, dẫu có đủ chứng cứ hay không.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như cơ quan điều tra vội vàng kết luận dựa trên những chứng cứ mong manh, và sức ép của dư luận xã hội về vụ ấu dâm này? Tôi không nghĩ rằng những người cha, người mẹ đang mong muốn bảo vệ con cái mình lại hy vọng có thêm một người tù oan như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, hay Trần Văn Thêm.
Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác cần nghiêm trị. Giết người cũng thế. Những nghi can giết người đã trở thành “người tù oan thế kỷ” vì suy đoán có tội, vội vàng, vô trách nhiệm của các điều tra viên. Cho đến lúc này, ông lão 76 tuổi ở Vũng Tàu có thực sự đã xâm hại tình dục với cháu gái hay không, cơ quan công an chưa thể xác định, song dưới sức ép của dư luận, liệu các cán bộ điều tra vụ việc này có áp dụng phương pháp “truyền thống” để buộc tội ông già như cách khiến những “người tù thế kỷ” phải thừa nhận những tội ác mà họ đã không làm?
Nỗi đau của những người tù oan, và nỗi đau của những cô bé là nạn nhân bởi thói ấu dâm, chẳng nỗi đau nào mà không làm tổn thương với lương tri của cộng đồng, theo cách tồi tệ nhất của những vết thương.