Dân Việt

Nhà băng thừa tiền, nhà nông thiếu vốn

Trọng Đạt (Trang Trại Việt) 28/08/2016 07:00 GMT+7
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), đến tháng 3.2016, cả nước có 29.933 trang trại. Giá trị sản xuất hàng hóa bình quân khoảng 2 tỷ đồng/trang trại. Hầu hết vốn đầu tư trang trại là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng, vốn tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Có thể thấy, nguồn vốn ngân hàng là điểm tựa vô cùng quan trọng đối với các chủ trang trại trong sản xuất, kinh doanh. Về phía các ngân hàng, việc mở rộng nhiều gói tín dụng cho vay nông nghiệp cũng tạo một kênh hấp dẫn để khơi thông luồng vốn, thúc đẩy tăng trưởng.

img

Trang trại chăn nuôi lợn của HTX chăn nuôi Hoàng Long ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) được đầu tư hiện đại. Ảnh: Trần Quang

Để thúc đẩy kinh tế trang trại, nhiều chính sách quy định về ưu đãi tín dụng đã được ban hành. Gần đây nhất là Nghị định 55/2015/NĐ-CP, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, được kỳ vọng là một bước “cởi trói” mạnh mẽ nhằm khơi thông luồng vốn tín dụng đến với trang trại, đặc biệt là cơ chế cho vay không thế chấp.

Những tưởng Nghị định này sẽ tạo một lực đẩy để nguồn vốn ngân hàng ồ ạt chảy vào nông nghiệp, tuy nhiên sau hơn một năm triển khai, cả phía trang trại và ngân hàng đều cho biết chính sách tín dụng trên có những điểm “trái khoáy”, khó tiếp cận.

Chẳng hạn, quy định là không phải thế chấp nhưng lại phải  gửi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận trang trại tại ngân hàng. Còn ngân hàng cũng kêu khó bởi việc giữ lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là thế chấp, mà chỉ là “giữ hộ”. Khi rủi ro xảy ra, ngân hàng không có quyền xử lý tài sản.

Thực tế là để được vay theo Nghị định 55/CP, hộ cá nhân và trang trại vẫn phải có dự án, phương án kinh doanh, có tài sản thế chấp… Các trang trại, HTX để được vay thì phải xếp loại A, là các “khách hàng tốt” của ngân hàng từ trước. Có thể nói, cánh cửa ngân hàng vẫn đóng lại trước những trang trại mới thành lập, chưa đáp ứng đủ các quy định cũ.

Phía ngân hàng cũng cho rằng, chỉ riêng Nghị định 55 chưa đủ kích thích cho vay nông nghiệp. Cho dù hiện có nhiều ngân hàng tham gia tín dụng nông nghiệp, song chủ yếu tập trung vào các dự án lớn, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản. Hoặc có cho vay thì cũng chỉ bám trụ ở những thành phố lớn, thị xã, thị trấn. Dù nguồn vốn dồi dào, nhưng vì an toàn, các ngân hàng rất dè dặt rót vốn cho trang trại.

Để góp phần “cởi trói” cho đồng vốn, Trang Trại Việt số 62 thực hiện Tiêu điểm: Nhà băng thừa tiền, nhà nông thiếu vốn. Tiêu điểm phản ánh những bất cập trong chính sách tín dụng, đồng thời đề xuất ý kiến từ góc nhìn chuyên gia, nhà quản lý nhằm khơi thông luồng chảy tài chính vào nông nghiệp./.