Dân Việt

Lừa gạt, cưỡng bức hái cafe và sống như nô lệ

03/12/2010 18:50 GMT+7
(Dân Việt) - Mỗi người bị ép ký hoặc lăn tay vào các bản hợp đồng lao động “chết đói". Nếu không làm thì bị dọa đánh, giết. Ai đòi về thì họ phải nộp tiền chuộc...

Dư luận xôn xao việc hàng chục nông dân Khánh Hòa, Phú Yên... bị lừa gạt, cưỡng bức lao động tại các rẫy cà phê ở Tây Nguyên. Theo tìm hiểu của NTNN, hiện vẫn còn rất nhiều nạn nhân đang tuyệt vọng chờ giải cứu.

Cuộc điện thoại trong nước mắt

Sáng 2-12, anh Võ Văn Danh (trú tại thôn Xuân Tự 1, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) - lao động bị lừa đi làm thuê tại một vườn cà phê ở Đăk Lăk- gọi điện về cầu cứu gia đình.

Anh Danh kể trong nức nở: "Tôi cũng là một trong số nhiều người bị "cò" lao động hứa đưa lên Lâm Đồng hái cà phê với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

 img
Hai nạn nhân quê Phú Yên vừa được gia đình đóng tiền chuộc về.

Nhưng khi lên đến đây thì phải ký hợp đồng với mức lương từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng. Họ không đưa chúng tôi đi Lâm Hà, Lâm Đồng như đã nói mà đưa chúng tôi sang Đăk Lăk. Chúng tôi ở giữa rừng cà phê được 10 ngày nay, làm việc quần quật, ăn uống kham khổ.

Không được tiếp xúc với người ngoài, chúng tôi cảm giác như bị cầm tù, không biết đang làm cho ai, cụ thể ở đâu. Hỏi "chủ vườn" thì không ai trả lời, họ chỉ lệnh "cứ làm việc đi".

Anh Danh cho biết thêm, khi mới lên, nhiều lao động đã bị người của công ty môi giới lấy hết điện thoại, nghiêm cấm không cho liên lạc với bất cứ ai. Cái điện thoại này anh Danh phải giấu kỹ lắm mới không bị thu. Anh Danh không dám nói to, nói lâu sợ bị phát hiện.

Cũng theo anh Danh, anh đang làm việc cùng nhiều lao động khác, có cả nam lẫn nữ, phần nhiều còn trẻ, khoảng 15-16 tuổi. Đã có lần anh Danh và những người này gọi về nhà nhờ giúp đỡ, nhưng họ chỉ nhận được những tiếng khóc lóc thảm thiết từ người thân, phần vì không có tiền đi chuộc người, phần vì không biết người lao động hiện đang ở đâu mà đi chuộc.

Theo ông Tô Anh - Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, từ đầu tháng 11-2010 trên địa bàn 2 thôn Xuân Tự 1 và Xuân Tự 2 có 32 thanh niên bị "cò" lao động hợp đồng miệng là đi hái cà phê ở Lâm Đồng. Đến nay đã có 12 người trốn về hoặc được người thân chuộc về với "giá" 1,3 triệu đồng/người.

Bị đánh đập, cưỡng bức lao động

Tại Phú Yên có gần 70 người bị lừa đi lao động cưỡng bức tại Tây Nguyên. Có 34 người đã được gia đình chuộc về. Họ hầu hết đều là người nghèo ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa. Mỗi nạn nhân để về được quê nhà, gia đình phải nộp gần 2 triệu đồng tiền chuộc. Đó hầu hết là tiền vay mượn.

Theo những thanh niên vừa được giải cứu, nơi họ đến là Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Minh Nghĩa có chức năng giới thiệu việc làm, nhà đất và dịch vụ cầm đồ, địa chỉ tại xã Hoài Đức 1, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, họ bị bỏ đói và chịu sự quản lý nghiêm ngặt của những người rất dữ tợn. Sau đó công ty này phân phát các lao động theo yêu cầu của bên cần người.

Mỗi người bị ép ký hoặc lăn tay vào các bản hợp đồng lao động “chết đói". Nếu không làm thì bị người của Minh Nghĩa doạ đánh, giết. Ai đòi về thì họ phải nộp tiền chuộc. Ở lại lao động thì phải làm quần quật, ăn uống đói khát, lại luôn bị theo dõi, đánh đập...

Ngày 2-12, ông Hoàng Bình - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, cho biết: Sau khi có thông tin về Công ty Minh Nghĩa ép người làm thuê, chúng tôi đã phối hợp với Công an Lâm Hà tiến hành điều tra vụ việc và phát hiện công ty này không có chức năng làm dịch vụ việc làm và môi giới lao động.

Công an Lâm Hà và Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng đã đình chỉ, gỡ biển hiệu của công ty. Cũng theo ông Hoàng Bình, chiều 1-12 đã có thêm 23 lao động ở Phú Yên và Bình Định được Phòng LĐ-TB&XH huyện Lâm Hà hỗ trợ tiền xe để về quê.