Vết loét do mò cắn trên người bệnh nhân P.T.N. (53 tuổi ở huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh)
Ngày 15-8, bệnh nhân P.T.N. (53 tuổi ở huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á do sốt cao, đau đầu, cổ gượng, tiêu chảy, có dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc.
Trong quá trình điều trị, khi thăm khám các bác sĩ thấy bệnh nhân có vết loét thâm đen ở lưng, hạch nách và cổ. Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết, bệnh nhân đã sốt trong 4 ngày.
Trước đó 2 tuần bệnh nhân có vào khu rừng nhỏ gần nhà. Từ những thông tin ban đầu, các bác sĩ xác định bệnh nhân này đã bị mắc bệnh sốt mò – một căn bệnh rất hiếm gặp tại Việt Nam và việc chẩn đoán rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh khác.
Sau khi chẩn đoán đúng căn bệnh, các bác sĩ thực hiện phát đồ điều trị hiệu quả. Hiện sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt: hết sốt, cổ, mềm dấu hiệu viêm phổi cải thiện, có thể xuất viện trong nay mai.
BS.CK2. Đặng Văn Hội – Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á cho biết: Bệnh sốt mò thường gặp ở những người đi rừng, phát rẫy, đi dã ngoại... Bệnh do một loại ấu trùng ve mò cắn và lây truyền tác nhân gây bệnh Rickettsia Orientalis vào cơ thể người. Sau khi bị cắn, sẽ có một nốt sẩn đỏ, giữa có mọng nước sau đó sẽ vỡ ra, loét hoại tử, nổi gờ lên mặt da, có viền đỏ và có dịch xuất tiết, sau đó đóng vảy đen.
Bệnh nhân xuất hiện sốt sau đó từ 6 đến 18 ngày. Đây là một bệnh dễ nhầm lẫn với sốt rét, sốt xuất huyết và cũng có thể gây tử vong.
Để đề phòng bệnh sốt mò, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần phát quang bụi rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò, bẫy diệt chuột. Khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp cần mặc quần áo dài tay có tất tay, tất chân che kín cơ thể. Không để quần áo hay nằm trên cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.
Ở Việt Nam bệnh sốt mò đã được phát hiện ở Sài Gòn từ năm 1915 do Goutron mô tả, bệnh xảy ra ở vùng trung du và miền núi, đã có hàng nghìn người mắc và hàng trăm người chết tại các tỉnh: Sơn La, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Trị… Ở Việt Nam, mò có số lượng giống và loài phong phú, gồm 107 loài và phân loài thuộc 23 giống, trong đó có 17 loài đặc hữu. Nhiều nghiên cứu về véc tơ sốt mò cho rằng loài mò L. (L) deliense có vai trò chính trong truyền bệnh sốt mò ở Việt Nam. Ấu trùng các loài mò chủ yếu ký sinh trên thú gặm nhấm, chó, mèo, chim, gà, và cũng có ở người. |