Dân Việt

Nên làm gì khi bị vu khống trên mạng xã hội?

Phạm Hưng 17/08/2016 20:30 GMT+7
Nếu một ngày, bạn được người thân, bạn bè thông báo rằng: Bạn đang bị nói xấu, bôi nhọ, vu khống trên mạng xã hội, bạn sẽ làm gì để vừa tự bảo vệ được mình trước thông tin sai, vừa có hành động theo đúng quy định của pháp luật?

Bị vu khống và sử dụng hình ảnh trái phép

Anh Thanh Lưu và chị Nguyễn Thương Huyền cùng con gái đang sinh sống và công tác tại Hà Nội. Mới đây, anh chị được bạn bè thông báo: Một tấm ảnh gia đình anh chị đang bị phát tán trên mạng xã hội facebook, kèm theo đó là nội dung bôi nhọ, có tính chất vu khống về gia đình anh chị.

Anh Lưu cho biết: Sau khi kiểm tra tài khoản facebook này thì thấy, ngày 6/8/2016, facebook mang tên CTTD (viết tắt) đã đăng tải ảnh, nội dung về mâu thuẫn của mình với một cặp vợ chồng nhà báo.

Trong phần bình luận, chủ nhân facebook CTTD đã hai lần đăng ảnh vợ chồng và con gái anh Lưu, kèm theo bình luận như sau: “Qua đây đọc đi 2 vợ chồng em, rủ con Huyền báo phụ nữ gì ấy hôm đăng bài rồi đăng đính chính nữa qua đây xem, chị cho vợ chồng nhà báo không giấy phép ấy lên đường nốt cho vui, cùng bán nhà hầu vụ này cho vui, mà có nhà chưa hay còn đang đi thuê? ”; và một bình luận khác: “Con Huyền đâu qua đây, mày muốn chị cho mày đi chung với 2 vợ chồng đứa này luôn cho vui không?”

img

Ảnh minh họa. Internet

Anh Lưu cho biết: “Vợ tôi cũng tên Huyền nhưng công việc không liên quan một chút gì đến báo chí và bản thân tôi cũng không biết gì về vụ việc về vụ việc chị ta nêu. Khi phát hiện sự nhầm lẫn ngớ ngẩn trên, vợ tôi đã yêu cầu chị ta gỡ ngay lập tức hình ảnh và phải đính chính, xin lỗi nhưng không nhận được phản hồi. Tôi cũng gọi điện vào số điện thoại công khai đăng trên trang  facebook này nhưng không gặp được chị này.

Ngoài việc bị vô cớ bị xúc phạm, vợ chồng tôi vô cùng tức giận khi hình ảnh con gái chúng tôi bị sử dụng trái phép và bị tấn công bởi những bình luận đầy ác ý, thiếu văn hóa. Đặc biệt, cái status này có tới hơn 2000 lượt “like” và hơn 1000 lượt chia sẻ.

Đến chiều ngày 13/8/2016, facebook CTTD đột nhiên “âm thầm” xóa bức ảnh và các nội dung đã đăng tải của mình trước đó, trong đó bao gồm cả hình ảnh và các bình luận về gia đình anh Lưu, chị Huyền.

Làm thế nào để đúng luật?

Thế nhưng, chị Huyền cho biết: Việc xóa đi những gì đã đăng tải trên facebook không có giá trị. Bởi vì, sau khi không nhận được hồi đáp có thiện chí, anh Lưu và chị Huyền đã đến văn phòng thừa phát lại lập vi bằng về sự việc này. Đồng thời, gia đình anh đã hoàn tất các thủ tục để yêu cầu xử phạt hành chính và khởi kiện dân sự.

Ngoài ra, bằng nhiều cách khác nhau, gia đình anh Lưu, chị Huyền đã xác định được chính xác người thật là chủ facebook CTTD trên mạng internet. Tuy nhiên, do sự việc đang trong quá trình giải quyết nên anh Lưu từ chối nói rõ các xác định nhân thân và hẹn sau khi vụ việc được giải quyết xong sẽ công khai cách thức xác định người thật với tài khoản ảo trên mạng.

Anh Lưu cho biết: Từ câu chuyện của gia đình tôi, tôi có thể rút ra một số kinh nghiệm xử lý về việc bị bôi xấu, bôi nhọ trên mạng như sau:

Bước 1: Lập vi bằng. Nếu ở Sài Gòn hoặc Hà Nội, hãy đến văn phòng Thừa phát lại bất kỳ lập vi bằng, ghi nhận rằng trên tài khoản Facebook xyz có thông tin, hình ảnh xâm hại đến lợi ích của bạn. Bạn có thể nhờ bạn bè làm thủ tục này nếu ở địa phương khác.

Bước 2: Report cho Facebook biết status, hình ảnh đó xâm phạm quyền cá nhân của bạn và yêu cầu xoá đi. Bạn cũng có thể email cho Facebook Team nhờ hỗ trợ xử lý.

Bước 3: Gửi thư, gọi điện cho đương sự yêu cầu chấm dứt vi phạm, gỡ status hoặc hình ảnh liên quan đến bạn và yêu cầu đính chính, xin lỗi, bồi thường.

Bước 4: Nếu không nhận được sự hợp tác, nộp đơn khởi kiện ra tòa cấp huyện nơi đương sự cư trú. Đồng thời, gửi đơn yêu cầu Thanh tra bộ Thông tin và truyền thông xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 72/2013 quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Cho đến 16h00 ngày 17/8/2016, việc xin lỗi công khai gia đình anh Lưu, chị Huyền vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc hy hữu này.

 Vi bằng là gì? 

Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh quy định "Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác."

Điều 7 - Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC- BTC ban hành ngày 28/02/2014 quy định: "Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật".