Dân Việt

Kỳ Sơn - đói nghèo và... kỳ lạ: Vỡ mộng di cư tự do

Lê San 18/08/2016 06:40 GMT+7
Đói nghèo dai dẳng đã khiến nhiều hộ người Mông ở Kỳ Sơn (Nghệ An) mơ về cuộc sống giàu sang ở bên kia biên giới. Nhiều hộ đã bán nhà cửa, rời bỏ bản làng, đưa cả gia đình di cư trái phép sang Lào. Nhưng sang đó ai nấy đều vỡ mộng, quay trở về với bàn tay trắng và tương lai mù mịt...

Nước mắt hối hận 

Phải chờ đến tối, chúng tôi mới gặp được ông Và Lỳ Cồng ở bản Huồi Ức 2, xã Huồi Tụ, vì đang mùa lên nương ai cũng đi đến tối mịt mới về. Ông Cồng là 1 trong 3 hộ di cư trái phép sang Lào được trao trả về năm 2013. Ngôi nhà tối như mực vì cả bản chưa có điện, ông Cồng vội vàng bảo cô con gái nhóm lửa. Ánh lửa nhóm lên phản chiếu gương mặt tiều tụy, già trước tuổi của ông Cồng. Không nén được tiếng thở dài, ông Cồng chia sẻ về lý do sang Lào: “Đợt đấy, xã Huồi Tụ và Na Loi tranh chấp đất sản xuất, mình bị mất đất nhiều. Lại nghe anh em, bạn bè đồn thổi là ở Lào dễ kiếm tiền lắm, ai qua đấy cũng giàu, sống sung sướng. Đầu năm 2010, mình rủ cả gia đình bán nhà, bán đồ đạc để sang đó”.

img

Sau khi di cư tự do, chồng chị Lầu Y Lỳ đã không trở về, bây giờ mình chị thui thủi nuôi con. Ảnh: L.S. 

Bán nhà được 28 triệu đồng, gia đình ông Cồng gồm 5 khẩu cùng gia đình 2 em trai dắt díu nhau sang tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). “Nhưng bên đó cũng như mình, cũng đốt rừng làm nương, làm rẫy. Chỉ có đất đai là rộng rãi hơn. Nhưng gia đình mình không được chính quyền chia đất, chỉ có trưởng bản họ giúp. Con cái không được đi học. Họ chỉ tay đâu là mình làm rẫy ở đó thôi, còn mình đi làm nơi khác thì không được chấp thuận. Làm hơn một năm cũng chỉ dựng được nhà tạm, trồng lương thực đủ ăn. Đến lúc bị Biên phòng Lào phát hiện, trao trả về, trên người chỉ có mấy bộ quần áo, chả còn đồng tiền nào trong người” – ông Cồng kể. Điều làm ông Cồng day dứt nhất là người em trai Và Dìa Xa và đứa cháu của ông đã không thể trở về. Trong một lần đi săn, hai người đã mất tích.

“Với các em học sinh trở về, chúng tôi đều làm thủ tục và tổ chức thi đầu vào để các em kiểm tra trình độ, sắp xếp lớp học phù hợp với học lực. Nhiều phụ huynh lên gặp các thầy cô giáo xin cho con đi học lại nhưng không có bất cứ giấy tờ gì. Thầy cô giáo phải làm lại học bạ, giấy khai sinh, hỗ trợ sách vở cho các em. Khuyến khích như vậy nên  tỷ lệ các em trở về đi học khá đầy đủ”.
Ông Nguyễn Hồng Hoa Trưởng phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn

Cách nhà ông Cồng không xa là nhà của chị Lầu Y Lỳ - vợ anh Xa. Chồng mất tích, mình chị bươn chải nuôi 4 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới học lớp 6. Nhắc tới chồng, chị Lỳ không cầm được nước mắt. “Chồng mình với đứa cháu đi săn. Mình ngồi nhà chờ mãi vẫn không thấy chồng về. Sốt ruột mới nhờ anh em đi tìm giúp, nhưng tìm đến giờ vẫn chưa thấy tung tích gì. Nhiều người bảo chồng mình bị bọn phỉ bắt đi. Không có chồng, mình vất vả và tủi thân lắm. Nếu cứ ở nhà yên tâm làm ăn, giờ mình vẫn còn chồng, còn cháu rồi” – chị Lỳ rầu rĩ.

Theo ông Và Xỉ Mùa – Trưởng bản Huồi Ức 2, bản có 36 hộ, do thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn nên từ nhiều năm trước, đã có nhiều hộ di cư sang Lào, song mới chỉ có gia đình 3 anh em nhà ông Và Lỳ Cồng trở về. Với tinh thần cộng đồng cao, các hộ dân ở bản Huồi Ức 2 và chính quyền đã cùng nhau giúp đỡ các hộ di cư trở về làm nhà tạm và hỗ trợ để không gia đình nào bị thiếu đói. Trưởng bản Và Xỉ Mùa còn tốt đến mức, với số tiền 7 triệu đồng nhà nước hỗ trợ cho 3 hộ di cư mua bò, ông đã bán những con bò của mình cho họ chỉ với giá 3 triệu, còn 4 triệu để họ mua sắm đồ dùng sinh hoạt. Mỗi hộ còn được phân 3 – 4ha đất trồng trọt.

Theo ông Hạ Bá Lỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, do di cư trái pháp luật nên con em của các hộ đều thất học. Khi trở về quê hương, ưu tiên đầu tiên của xã là tạo điều kiện để cho các em trở lại lớp. Năm học 2015 – 2016, cả xã Huồi Tụ có 8 cháu đã quá tuổi quy định vào lớp 1. Chính quyền xã Huồi Tụ đã bàn bạc với nhà trường làm giấy tờ để các cháu được đi học lại. Cuộc sống chưa bằng so với lúc trước, nhưng đều đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, theo thống kê của Công an xã Huồi Tụ, tính từ đầu năm 2016, xã vẫn có 8 hộ/35 khẩu đã di cư và có 20 hộ đang có ý định di cư. 

Biết khổ vẫn đi

Chỉ tính riêng trong 2 năm 2014 và 2015, 3 huyện biên giới của Nghệ An là Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn đã có 138 hộ với 622 khẩu di cư trái phép sang Lào. Trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Kỳ Sơn, chiếm đến 2/3 tổng số các trường hợp. Cụ thể, năm 2013 huyện Kỳ Sơn có 55 hộ/288 khẩu di cư trái phép sang Lào; năm 2014 là 64 hộ/334 khẩu, cuối năm 2015 có 81 hộ/492 khẩu, chủ yếu là người Mông và tập trung tại các xã Đoọc Mạy, Mỹ Lý, Huồi Tụ, Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn, Mường Típ, Mường Lống, Bắc Lý, Tây Sơn.

img

Ông Và Lỳ Cồng không bao giờ nghĩ tới việc di cư sang Lào nữa. Ảnh: L.S

Theo bà Vi Thị Hợi – Trưởng phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn, hầu hết các hộ đều trở về tay trắng, nhưng những người ấp ủ đi sang Lào vẫn nhiều, nguyên nhân do phong tục, tập quán du canh, du cư của người Mông; một phần do có quan hệ thân tộc, anh em họ hàng với người ở bên Lào. Một số hộ nghe nói bên Lào mới thành lập đặc khu kinh tế, ưu tiên dân vào phát triển kinh tế nên họ ra đi.

“Không biết ai tuyên truyền, nhiều hộ nghe theo và di cư sang đó. Một số di chuyển theo đường tiểu ngạch. Một số sử dụng hộ chiếu đi công khai dưới hình thức thăm thân. Họ đi không thông qua chính quyền, bán nhà cửa xong xuôi, trưởng thôn báo chúng tôi mới biết. Chỉ có những hộ nào còn nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội mới không đi được. Tính tới nay, số hộ đã hồi cư về Việt Nam trước tháng 7.2013 ở Kỳ Sơn là 89 hộ/439 khẩu, trong đó số hộ tự về là 32 hộ qua đường tiểu ngạch, 57 hộ được trao trả qua cửa khẩu 2 nước. Hộ nào cũng về trong tình trạng trắng tay. Cuộc sống sau 1, 2 năm trở về vẫn không thể phục hồi được như lúc trước. Đáng chú ý là nhiều hộ di cư qua Lào sống rất nghèo khổ, nhưng một phần vì ngại, xấu hổ với anh em bạn bè, họ chấp nhận sống lay lắt bên đó chứ không trở về” – bà Hợi cho hay.

Theo bà Hợi, để ngăn chặn các hộ đồng bào không di cư sang Lào là rất khó, vì ý thức, sự hiểu biết cũng như trình độ dân trí còn thấp, người dân đã quá quen với việc di cư, hồi cư. Trong khi đó, ở cấp xã cũng chưa quan tâm đúng mức đến tình trạng này, việc phân công cán bộ trực tiếp quản lý, nắm con số và báo cáo về di cư còn chậm hoặc không báo cáo.

Để giúp bà con ổn định cuộc sống nơi biên giới, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án “Sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ nước CHDCND Lào trở về nước” theo Quyết định số 162/QĐ – TTg ngày 25.1.2016. Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An đang xây dựng kế hoạch thực hiện. Bà Vi Thị Hợi cho biết, đã tiến hành thống kê và lên kế hoạch hỗ trợ cho 89 hộ di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam – Lào trước ngày 8.7.2013 do nước Lào trao trả. Theo rà soát các nhu cầu căn cứ vào Quyết định 162/QĐ – TTg, huyện Kỳ Sơn cần hơn 13 tỷ đồng để hỗ trợ cho 89 hộ/439  khẩu cho cả giai đoạn 2016 - 2018. Tuy nhiên,  do đang chờ kinh phí nên kế hoạch này vẫn nằm... trên giấy, địa phương phải tạm ứng ngân quỹ để hỗ trợ tạm thời cho các hộ gia đình. 

Ông Hạ Bá Lỳ Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ: 

Giữ chân bằng mô hình hay
Để người dân không di cư tự do, mấu chốt vẫn là tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo. Theo đó, xã đã triển khai một số mô hình như trồng chè Shan tuyết, chăn nuôi trâu bò, khai khoáng và đang thu được nhiều thành công. Năm 2014, Huồi Tụ đã xuất hiện các mô hình kinh tế giỏi được biểu dương như hộ Lỳ Nỏ Cồ ở bản Huồi Đun, hộ Hờ Gà Vừ bản Huồi Khe, hộ ông Vừ Pà Chống và Cử Phái Đà bản Phà Sắc... Nhờ các tấm gương điển hình này, bà con nhìn thấy cơ hội phát triển của mình và yên tâm sản xuất, làm ăn tại quê hương.