NTNN có cuộc phỏng vấn đại tá - PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học (Viện Khoa học cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân).
Thời gian qua có không ít vụ thảm án xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, những nơi vốn được coi là yên bình. Trên cơ sở khoa học, có thể lý giải điều gì, thưa ông?
- Trước đây tội phạm xảy ra ở nông thôn,vùng sâu vùng xa thường chỉ dừng ở những vụ như kiểu gây thương tích cho nhau, những vụ án mạng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra nhiều như thời gian gần đây.
Cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát tại huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: I.T
Về cơ bản, có thể thấy trong khi xã hội phát triển rất nhanh, thông tin truyền thông phát triển mạnh tác động vào người dân ở mọi vùng đất nước, riêng ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận thì những yếu tố tiêu cực của đời sống, phương thức thủ đoạn của tội phạm lại lan vào nhanh hơn so với những mặt tích cực. Có nghĩa sự lan tỏa những vấn đề trong đời sống xã hội đến vùng sâu, vùng xa không tương đương với việc nâng cao trình độ của con người cả về nhận thức văn hóa, lối sống, pháp luật.
Nếu trong gia đình mà có sự gắn bó với nhau hay còn gọi là thiết chế gia đình bền vững, làng xóm cộng đồng quan tâm đến nhau thì rõ ràng khi nảy sinh mâu thuẫn người ta dễ hòa giải với nhau hơn chứ không đối xử với nhau bằng những hành vi dã man và tàn nhẫn như vậy”. Đại tá- PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn |
Vấn đề thứ hai là quan hệ xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, sự gắn kết cộng đồng giữa những con người với nhau còn lỏng lẻo. Thiết chế văn hóa truyền thống còn đó nhưng không mang màu sắc mới, nó không tiến bộ hơn, đôi khi có những hủ tục lại trỗi dậy. Những cái đó dần dần tác động vào tư tưởng, tình cảm, tâm lý, lối sống và hành vi của con người.
Bên cạnh đó, cũng phải nói một phần là do việc quản lý về mặt nhà nước, trong đó có việc tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, xây dựng thiết chế văn hóa, tình làng nghĩa xóm ở vùng sâu, vùng xa còn lỏng lẻo.
Chính vì thế, khi xảy ra những mâu thuẫn với nhau, rồi xung đột, một số người ở địa bàn vùng sâu, vùng xa có hành động phạm pháp một cách dã man, lạnh lùng hơn, vô cảm và mãnh liệt. Hành động đó đã đi rất xa so với bản chất vốn có của người dân những vùng này là hiền hậu, nghĩa tình, cư xử với nhau có chừng mực. Trong những vụ án mạng sát hại nhiều người xảy ra ở vùng sâu, vùng xa như vừa qua, nếu người phạm tội biết được hành vi của mình sẽ phải trả rất đắt cho bản thân, gia đình cũng như xã hội thì chắc họ đã không hành động.
Trong quá trình công tác, có vụ thảm sát nào mà ông từng đến để nghiên cứu, khảo sát và rút ra nguyên nhân?
- Sau khi xảy ra vụ án Đặng Văn Hùng ở Yên Bái (sát hại 4 người trong một gia đình xảy ra tháng 8.2015), tôi cùng đoàn công tác của Bộ Công an có đến khảo sát vùng này. Vụ án thì xảy ra rồi, nhưng đằng sau đó, sự gắn kết giữa các gia đình, làng xã ở đây thấy rất lỏng lẻo.
Ở đó nhiều người dân học hành hạn chế nên những việc như để hiểu biết về văn hóa đời sống, hiểu biết xã hội, pháp luật và những gì tốt đẹp trong đời sống dường như chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc tạo môi trường xã hội để cho người dân gắn kết với nhau về mặt đạo đức, văn hóa và pháp luật thấy cũng ít được quan tâm.
Nếu ở trong gia đình có sự gắn bó với nhau hay còn gọi là thiết chế gia đình, làng xóm cộng đồng quan tâm đến nhau thì rõ ràng khi nảy sinh mâu thuẫn người ta dễ hòa giải với nhau, chứ không phải là những hành vi dã man với nhau.
Vậy theo ông, yếu tố để gắn kết cộng đồng và hình thành những vùng sinh sống an toàn, yên bình là gì?
- Trước hết, ở những vùng đã từng xảy ra những vụ thảm án, chúng ta không được để những vùng đó trống về văn hóa, về pháp luật. Địa phương cần phải tố chức để cho khu dân cư, làng bản phát huy được truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc nơi đó, đạo đức của gia đình dòng họ nơi đó.
Làm sao để những người trong cùng gia đình, dòng họ, cũng như làng xóm, khu dân cư phải có sự gắn kết với nhau. Muốn người dân có sự gắn kết phải tổ chức họ lại, muốn tổ chức họ lại không ai khác đó là chính quyền phối hợp chặt với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...
Một vấn đề nữa cũng phải tính đến là xây dựng thiết chế văn hóa. Vấn đề này nói ra rộng nhưng nôm na là họ tộc nhà tôi phải làm gì, gia đình tôi phải làm gì, làng xóm láng giềng tôi phải làm gì và ứng xử với nhau như thế nào cho hợp nhẽ.
Một vấn đề không thiếu phần quan trọng là tuyên truyền để cho người dân nâng cao hiểu biết pháp luật. Đối với những nơi vùng sâu, vùng xa, chúng ta đừng nên tuyên truyền kiểu chung chung kiểu điều này, luật kia mà phải tuyên truyền một cách trực tiếp qua những công việc cụ thể, vụ việc cụ thể, như thế mới sinh động được và có tác động trực tiếp vào suy nghĩ, nhận thức của người dân.
Xin cảm ơn ông!
Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 (Hà Nội): Con người ngày càng dễ mất kiểm soát hơn Phân hóa giàu – nghèo, nhu cầu hưởng thụ gia tăng đã khiến nhiều người bất chấp đạo đức, pháp luật để kiếm tiền. Họ cũng ganh đua, ghen tị, cáu bẳn, oán hận nhiều hơn. Do đó, khi không kiềm chế nổi cơn tức giận họ sẵn sàng phạm các tội ác tày trời để xả giận hoặc đoạt cái mà họ thích. Ngoài những oán hận tồn tích bộc phát thành tội ác, chất “xúc tác” nguy hại nhất khiến bạo lực ngày càng nghiêm trọng chính là ma túy đá. Đây là dạng ma túy khó phát hiện vì không có các hội chứng cai (vật vã, lên cơn thèm như các dạng ma túy khác). Do đó giới trẻ thường thích dùng ma túy đá để tăng kích thích, hưng phấn trong các dịp tụ tập, quậy phá, nếu không có ma túy đá là thấy buồn bực, ỉu xìu. Để hạn chế bạo lực nói chung và các tội ác dã man, các cơ quan chức năng phải có giải pháp để thanh lọc và quản lý các đối tượng có nguy cơ cao về sức khỏe tâm thần, có khả năng biến đổi nhân cách, hành vi hung hãn, bạo lực. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển kinh tế cần song song với ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. TS Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Viện Tâm thần T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): Giết người không quan tâm tới việc trả giá Áp lực xã hội, sự thay đổi của các giá trị tác động rất mạnh đến cảm xúc, hành vi con người. Xã hội hiện đại sẽ xuất hiện nhiều các đối tượng rơi vào trạng thái kích động mạnh do hoàn cảnh sống quá khó khăn, bị các rủi ro thiên tai, thất nghiệp, nghèo đói. Đặc biệt, những người thường sống trong môi trường bạo lực lớn lên càng trở nên hận thù, bạo lực hơn. Nhiều người thích dùng nắm đấm để giải quyết các mâu thuẫn xã hội, thể hiện “đẳng cấp” mà không sợ, cũng không quan tâm đến việc phải trả giá cho việc họ đã làm. Diệu Linh (ghi) |
Những vụ thảm án gần đây
* Ngày 22.6.2014, chỉ vì chồng cũ đi lấy vợ mới, Nguyễn Thị Lý (thôn Vườn Quan, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã cầm dao chém nhiều nhát vào cổ, gáy con trai chung của hai người là cháu Nguyễn Lý Thành Long (8 tuổi) khiến cháu Long tử vong tại chỗ. * Chiều 2.7.2015, người dân địa phương phát hiện vợ chồng anh Lo Văn Thọ (27 tuổi) và chị Lê Thị Yến (25 tuổi), cháu Lo Việt Chung (11 tháng tuổi, con trai anh Thọ) và bà Viêng Thị Chương (60 tuổi, mẹ anh Thọ, trú bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) bị sát hại trong rừng. Tối 19.7, nghi phạm Vi Văn Hai (tên thường gọi là Mằn, 24 tuổi, trú bản Phồng) bị cơ quan công an bắt giữ. Nguyên nhân được cho là Hai đi trộm chanh bị phát hiện và dùng dao giết toàn bộ người nhà anh Lo Văn Thọ. * Ngày 19.4.2016, Trần Thị Huế (SN 1982, thôn Lễ Độ, xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã dùng dao sát hại con trai sinh năm 2011 và ép con trai lớn sinh năm 2008 uống thuốc diệt cỏ rồi tự tử. Hậu quả, các nạn nhân đều tử vong. Nguyên nhân được cho là do vợ chồng Huế đang làm thủ tục ly hôn nên Huế đang tâm trút giận lên đầu các con. * Ngày 9.5.2016, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt bị cáo Huỳnh Lan Thảo (SN 1973) 3 năm tù về tội “hành nghề mê tín dị đoan”. Thảo cùng con trai sống tại nhà cha mẹ ruột của Thảo ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Do con trai của Thảo bị bệnh và tin vào bói toán nên Thảo đã làm lễ "nhập thánh" cho con trai khiến con trai bị chết oan. Ngọc Trần (tổng hợp) |
Nỗi đau từ mâu thuẫn vặt vãnh? Liên quan tới mẹ thảm sát 3 con đẻ của mình tại thôn Quang Minh (xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang), vào rạng sáng ngày 16.8, cơ quan chức năng cho biết: Nghi can của vụ án này là Phàn Mùi Mấy (SN 1991, xã Quảng Nguyên, Xín Mần, Hà Giang). Nạn nhân chính là 3 con đẻ của Mấy: 2 cháu gái và 1 cháu trai (cháu lớn nhất sinh năm 2011, cháu thứ hai sinh năm 2013 và cháu bé nhất mới 14 tháng tuổi). Hiện trường vụ thảm sát tại Hà Giang. Ảnh: I.T Cụ thể, ngày 17.8, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Thế Hệ - Chủ tịch xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết: “Lúc xảy ra vụ án 3 cháu nhỏ bị mẹ giết, bà con trong thôn phát hiện thấy nhà của Phàn Mùi Mấy cháy lớn nên chạy đến. Lúc này Mấy đốt nhà xong chạy vào trong rừng. Lúc xảy ra vụ án, anh Triệu Mềnh Chán (26 tuổi, chồng Mấy) không có nhà, anh cùng mẹ đẻ đi ăn rằm ở địa phương khác”. Khi người dân chạy đến thì phát hiện 3 cháu nhỏ đã bị đốt cháy, tử vong. Ông Hệ thông tin thêm, trước đó 2 vợ chồng Mấy - Chán có xảy ra mâu thuẫn. “Trước lúc xảy ra sự việc, vợ chồng Mấy có xảy ra cãi nhau rất lớn. Chị Mấy không muốn cho chồng đưa mẹ đẻ đi ăn rằm nhưng chồng và mẹ đẻ vẫn đi nên Mấy đã nông nổi gây ra chuyện” - ông Hệ cho biết. Cũng theo ông Hệ, sau khi vụ án nghiêm trọng xảy ra, Mấy đã bị bắt và hiện đang bị tạm giữ tại Công an tỉnh Hà Giang. Ông Hệ cũng cho hay, 3 cháu nhỏ tử vong đã được mai táng vào chiều 16.8. “Mấy chưa có tiền án, tiền sự gì và cũng không có bệnh tật hay tâm lý bất ổn. Tuy nhiên, thông tin mà xã nắm được là cơ quan công an cho biết phải đưa chị Mấy đi giám định thì mới xác định được chính xác” - ông Hệ nói. “Ở địa phương chúng tôi chưa từng xảy ra một vụ việc nào nghiêm trọng đến thế này” - ông Hệ buồn bã. Ông Vàng Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nguyên cho biết: “Khoảng 20 giờ ngày 16.8, chính quyền và công an đã vận động được đối tượng Mấy ra đầu thú”. Hòa Nguyễn |