Thấy ngon và rẻ thì mua
Vừa đứng chọn xong 5kg cam vỏ xanh tại một hàng rong bên ngoài khu vực chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chị Trần Thu Hoài nhanh nhảu đưa ngay cho chủ hàng dặn chia hộ ra làm hai phần, một phần cứ để túi nilon thường để mang về ăn, còn phần kia thì cho vào túi nilon đẹp để buổi chiều sau giờ tan tầm, chị xách thẳng vào viện làm quà biếu người ốm.
Chị Hoài chia sẻ, gần chục ngày nay chị đi trên đường thường xuyên thấy những xe hàng rong bán đầy loại cam vỏ xanh này, hỏi người bán thì họ bảo là cam sành giống mới. Trong khi đó, chị mua thử về ăn thì thấy cam này vỏ mỏng, có thể bóc vỏ ăn giống như quýt mà múi không bị nát, vị hơi chua, nếu vắt nước uống thì chỉ cần cho thêm chút đường. Đặc biệt, cam không có hạt nên khi vắt nước không cần gạn bỏ hạt, rất tiện.
"Giá lại rất rẻ, loại ngon nhất mới có 30.000 đồng/kg, loại hơn xấu mã một chút giá 20.000 đồng, rẻ bằng nửa giá cam sành mà trước đây tôi vẫn hay mua về vắt nước", chị Hoài nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hường ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, cuối tuần vừa rồi vợ chồng chị qua nhà bạn ăn Rằm tháng 7, khi sang hai vợ chồng chị tiện đi qua chợ mua mấy cân cam sành loại mới để sang làm quà.
"Lúc ăn xong lấy cam ra bổ thấy vỏ mỏng dính mà cam nhiều nước, ăn hơi chua chua, thỉnh thoảng có quả ngọt ai cũng thích". Chị Hường nói và cho biết, sau khi ăn thử loại cam sành được người bán quảng cáo là giống mới hôm đó, nay chị lại tranh thủ ra chợ vào buổi sáng sớm trước giờ đi làm để mua mấy cân về cất tủ cho gia đình ăn và vắt nước uống dần bởi giá loại cam này đang khá rẻ.
Nhiều người mua loại cam này về ăn vì nhẩm tưởng đó là cam sành Việt Nam
Việt Nam nhập cả trăm tấn cam Tàu/ngày
Thực tế, theo ghi nhận của PV tại một số chợ cũng như một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, khoảng hơn một tuần nay bắt đầu xuất hiện loại cam có vỏ ngoài màu xanh, nhẵn bóng láng mịn, đa phần quả nhỏ chỉ ngang tầm cam xoàn hoặc to hơn một chút. Tép cam rất mọng nước với màu vàng, múi không có hạt, khi ăn có thể bóc vỏ hoặc bổ múi, vắt nước uống.
Trên thị trường, cam này đang được bán ở mức giá từ 20.000-30.000 đồng/kg tuỳ loại nên cực kỳ hút khách.
Theo lời của anh Lê Văn Trọng, một mối bán cam tại Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội), mỗi ngày anh bán được khoảng 1,5 tạ cam. Khách mua ít cũng 2kg, mua nhiều thì 5kg.
Tuy nhiên, khi hỏi loại cam vỏ xanh này có tên là gì thì anh Trọng lắc đầu bảo: "Dân buôn bọn anh cứ gọi là cam vỏ xanh, người mua thì nhìn giống với cam sành nên quy luôn chúng thành cam sành".
Trong khi đó, tại chợ đầu mối Long Biên, bà Nguyễn Thị Yến, một đầu mối chuyên buôn cam cho biết, loại cam vỏ mỏng có màu xanh, không hạt, khi ăn có thể bóc vỏ giống như bóc vỏ quýt đó là cam Tàu, không phải cam sành của Việt Nam.
Theo bà Yến, cam sành Việt Nam có hai loại, một loại có vỏ sần sùi màu hơi vàng, xấu mã (cam Hà Giang, cam Tuyên Quang) thường thu hoạch vào mùa đông dịp cận Tết và sau Tết âm lịch khoảng 1 tháng sẽ hết mùa. Loại thứ hai là cam sành vỏ xanh ở miền Nam, loại này có quanh năm, giá bán tại các chợ lẻ thời điểm hiện tại thường ở mức 70.000-75.000 đồng/kg.
Cam sành Việt Nam quả to gấp đôi cam xanh Trung Quốc, đặc biệt, cam sành ở thời điểm hiện tại đang được bán ở mức giá 70.000-75.000 đồng/kg
Loại cam sành vỏ xanh này quả khá to (to gấp đôi quả cam xanh của Tàu), vỏ dày cũng sần sùi, tép cam bên trong rất mọng nước, ăn có vị ngọt nhưng không phải ngọt gắt, múi rất nhiều hạt. Đặc biệt, vỏ cam rất khó bóc, khi ăn thường phải bổ múi hoặc bổ đôi vắt nước.
Còn loại cam vỏ xanh của Tàu, hàng thường dội chợ vào thời điểm tháng 8 và tháng 9 hàng năm, quả cũng nhỏ chỉ bằng nửa cam sành Việt Nam.
"Nếu đi mua, mọi người chỉ cần để ý những đặc điểm trên hay để ý tới giá cả thì có thể phân biệt được cam vỏ xanh Tàu với cam sành Việt Nam, vì giá cam Tàu rẻ bằng 1/3 giá cam sành Việt Nam", bà Yến nói.
Đề cập tới vấn đề trên, lãnh đạo một chi cục kiểm dịch thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, loại cam có vỏ ngoài màu xanh, khi ăn có thể bóc vỏ đang được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam khá nhiều.
"Thời kỳ cao điểm năm 2015, mỗi ngày thường nhập khoảng 100 tấn cam vỏ xanh này. Và mùa nhập loại cam này thường bắt đầu từ tháng 8 cho tới khi hết vụ bên Trung Quốc", vị lãnh đạo này cho hay.