Sáng nay (18.8), Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Cục Quản lý Đường bộ I đã ban hành phương án phân luồng giao thông qua cầu Hạc Trì và cầu Việt Trì cũ.
Theo đó, kể từ 0h00 ngày 21.8 ô tô con chở người từ 7 chỗ trở xuống, xe máy và xe thô sơ sẽ được lưu thông qua cầu Việt Trì cũ. Các phương tiện khác lưu thông qua cầu Hạc Trì.
Cục Quản lý đường bộ I đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông qua khu vực hai cây cầu trên chấp hành phương án phân luồng, đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc giao thông.
Hiện nay, Cục Quản lý đường bộ I đang tiến hành sửa chữa một số hư hỏng của cầu Việt Trì cũ theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Từ 21.8, ô tô được lưu thông qua cầu Việt Trì cũ.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ báo cáo Bộ GTVT cho phép sử dụng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương sửa chữa ngay các hư hỏng trên phần cầu dành cho đường bộ của cầu Việt Trì ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Các hư hỏng cần được sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn công trình cầu là: khe co giãn, bu lông, bê tông mặt cầu. Kinh phí sửa chữa dự kiến khoảng 1 tỷ đồng.
Kể từ khi cầu Hạc Trì được đưa vào khai thác, cầu Việt Trì cũ đã được các cơ quan chức năng cắm biển cấm ô tô lưu thông. Điều này khiến người dân trong khu vực cho rằng có sự ưu ái cho chủ đầu tư để “cấm cầu cũ, ép dân đi cầu mới”.
Nhiều người vẫn điều khiển ô tô qua cây cầu Việt Trì cũ khiến cơ quan chức năng phải đặt ụ bê tông chặn hai đầu cầu.
Vừa qua, Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng “dọa” dừng hoạt động cầu Hạc Trì bắc qua sông Lô nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.
Lý do mà đơn vị này đưa ra là từ 1.8, người dân đã phá vỡ ụ chắn bê tông lên cầu Việt Trì cũ, nên thay vì đi cầu Hạc Trì, đa số phương tiện lưu thông qua cầu Việt Trì miễn phí.
Yêu cầu này được các chuyên gia đánh giá là “không thể chấp nhận được”. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định nhà đầu tư không có quyền đơn phương dừng hoạt động công trình BOT.