Mở đầu cuộc họp, ông Dũng cho biết: "Bão số 3 tình hình rất phức tạp, dự báo tối mai (19.8) bão sẽ vào đất liền, vì vậy sáng nay tôi đã chỉ đạo khẩn cấp họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển để đưa ra các giải pháp chủ động ứng phó bão".
Nhiều tuyến đê biển sẽ nguy hiểm
Ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng thực trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, theo dự báo, bão số 3 hiện cách vùng biển Hải Phòng 250-300km. Bão khiến triều cường mạnh, gây ra song biển cao từ 3-5m, rất nguy hiểm cho các tuyến đê biển. Hiện tại, các lực lượng chức năng đã kêu gọi và thông báo trên 36.000 tàu thuyền, vẫn còn trên 3.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trong vùng bão đi qua.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại cuộc họp sáng 18.8.
Về đường đi, hướng đi của bão, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, tính đến 4h sáng 18.8, bão đang ở trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10-11. Dự báo đến 4h ngày 19.8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-13 và còn tiếp tục mạnh thêm.
TS Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Sau khi trao đổi với các trung tâm dự báo lớn trên thế giới, chúng tôi nhận định cơn bão này có hướng di chuyển là hướng Tây, khi vào đất liền, sức gió của bão mạnh ít nhất cấp 9, cao nhất cấp 11, gió giật mạnh ít nhất cấp 12 đến cấp 14. Các trung tâm dự báo Mỹ, Nhật, Trung Quốc đều có nhận định chung như thế”.
Dự báo bắt đầu từ ngày mai toàn bộ các tỉnh ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung bộ có mưa và gió giật mạnh. Sáng mai, bão ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh – Nghệ An, bắt đầu ảnh hưởng đến các bờ biển từ trưa chiều mai. Các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình gió giật mạnh cấp 9-10.
Theo TS. Cường, hoàn lưu bão rộng, lượng mưa cơn bão đem lại rất lớn ở Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ từ 200-300mm. Với dự báo bão vào bờ sẽ kéo theo thủy triều cao 2,5-3m, sóng biển 3-5m từ Hải Phòng, Thanh Hóa, đặc biệt Nam Định, Thái Bình.
Đường đi bão số 3.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng cảnh báo: Do ảnh hưởng của bão, nhiều vùng sẽ có mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét là rất cao. Từ chiều 18.8 đến hết ngày 20.8 sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 500mm.
Lũ sẽ xuất hiện trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng Giang, với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m, đỉnh lũ ở mức báo động I đến báo động II; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I đến báo động II. Sông Cả, sông La lên mức báo động I.
Đại diện Bộ tư lệnh Biên phòng cho biết, hiện đã chỉ đạo các tỉnh Quảng Ninh đến Nghệ An bố trí lực lượng, tàu, ô tô chuẩn bị sẵn sàng chủ động tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Yêu cầu đồn biên phòng điều chỉnh các phương án phòng chống, phương án hậu cần, chỗ trú cho người dân. Đề nghị Trung tâm dự báo đưa tin sát hơn, cụ thể hơn về tâm bão sẽ vào đâu để các tỉnh có phương án cụ thể, cũng như điều động quân từ nơi khác đến sẵn sàng hỗ trợ. Hiện nay các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định còn nhiều lồng bè thủy sản và người, đề nghị các địa phương yêu cầu di dời lồng bè và người đến nơi an toàn.
Đề nghị phát tin dự báo liên tục
Về công tác chuẩn bị tại các địa phương, ông Phạm Văn Xuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt từ chiều qua đến nay, nhiều huyện ngay từ đêm qua đã triệu tập ban chỉ huy phòng chống để họp bàn. Trên biển còn 5 phương tiện và 15 lao động đang di chuyển vào bờ, trên 1.300 tàu thuyền khác đã vào nơi trú ẩn an toàn và đã liên lạc về cho gia đình được biết. Mong Trung tâm dự báo, Ban chỉ đạo Trung ương, các báo đài đưa tin liên tục để địa phương chủ động ứng phó”.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: “Tình hình diễn biến bão số 3 hết sức phức tạp, làm cho cấp độ, năng lượng hướng đi diễn biến khó lường. Vùng dự báo tác động trực tiếp từ Bắc Trung bộ trở ra, đây là vùng đã chịu tác động lớn từ 2 cơn bão trước đó. Cơn bão này khả năng gây mưa lớn ở những nơi đã ngậm nước nhiều, công tác ứng phó hết sức chú ý đến điểm này”.
Ông Cường cũng lưu ý: Vấn đề ứng cứu sản xuất, ứng cứu đê kè, cần hết sức chú ý. Dự kiến lượng mưa do cơn bão sẽ lớn, khả năng tác hại đến các địa phường là rất lớn nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Công tác chuẩn bị đối phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất đối với các tỉnh ở Bắc miền Trung trở ra.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu: “Để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản từ bão số 3, tôi đề nghị Bộ TNMT tập trung chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến cơn bão, dự báo cảnh báo kịp thời chính xác để cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan liên quan để người dân chủ động ứng phó, đề nghị các cơ quan truyền thông tăng tần suất thời lượng phát sóng, cập nhật thường xuyên tình hình bão lũ”.
Đối với Bộ NNPTNT, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương rà soát kiểm đến tàu thuyền trên biển, đặc biệt những tàu thuyền ở vùng nguy hiểm, yêu cầu tàu thuyền phải di chuyển vào những nơi tránh trú an toàn, tuyệt đối không để tàu thuyền ở lại ngoài biển…
Cảnh báo khẩn 17 tỉnh nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. |