Chất lượng không đồng đều
Ngày 18.8, tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng BV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tuy đã có kết quả chấm điểm BV trên toàn quốc nhưng Bộ vẫn chưa đồng ý cho công bố vì phải cân nhắc thêm. Cụ thể như 83 tiêu chí có nhiều quá không, đã bao quát đủ hết các mảng chưa, cần chú ý vào những tiêu chí thực sự quan trọng, quyết định chất lượng BV, việc chấm điểm đã thực khách quan chưa…
Thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh là tiêu chí quan trọng để chấm điểm bệnh viện. Ảnh chụp tại BV Xanh Pôn Hà Nội. ảnh: D.L
“Chúng ta phải chấm điểm thực chất, chính xác chứ không chỉ làm hình thức, thi đua như trước đây. Không thể chấm kiểu toàn xuất sắc 99/100 điểm được. Cũng cần phải đưa thêm nhiều tiêu chí mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như BV xanh sạch đẹp, quản lý dịch vụ từ bên ngoài vào, yêu cầu các giám đốc BV phải đi học về quản lý BV” – Bộ trưởng Tiến nói.
“Chất lượng BV cần gắn với mức thu viện phí. Cụ thể nếu đạt trên 4 điểm thì được thu 100% giá viện phí, nếu đạt dưới 4 điểm chỉ được thu 80% viện phí thôi. Như vậy mới buộc các BV phải cố gắng để đổi mới, nâng cao chất lượng cho mình” . |
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ sơ bộ kết quả khảo sát chất lượng BV năm 2015 cho thấy, BV tuyến T.Ư trung bình là 3,5 điểm, tỉnh là 2,8 điểm, huyện là 2,6 điểm. BV quốc tế Vimec đạt điểm cao nhất với 4,8 điểm, BV Nhiệt đới T.Ư đạt 4,3 điểm; BV hạng đặc biệt Việt Đức 4,2 điểm; BV Bạch Mai 4,1 điểm; BV Nhi T.Ư 3,5 điểm.
“Đây là con số trung bình. Tuy nhiên vẫn không ít BV tỉnh, BV huyện có điểm số rất cao mà các BV T.Ư mơ chưa được” – ông Quang cho biết. Đơn cử như BV Tâm thần T.Ư 2 chỉ đạt 2,7 điểm trong khi BV quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đạt 4 điểm. Theo ông Quan, các BV có điểm thấp là do lãnh đạo BV chưa quan tâm đến việc xây dựng chất lượng BV, chấm điểm còn hình thức, đối phó, chưa thực chất. Ngoài ra cũng có một số tiêu chí khó thực hiện do liên quan đến cơ sở vật chất, kinh phí.
Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Y tế có thể sẽ nhờ các tổ chức quốc tế thành lập một tổ chức độc lập để chấm điểm chất lượng BV được khách quan, công bằng và chính xác hơn.
“Sốc” vì tự chấm điểm
Bà Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh) tâm sự, năm 2013, sau khi Bộ Y tế yêu cầu các BV tự chấm điểm theo 83 tiêu chí chất lượng BV do Bộ Y tế ban hành, cả BV Từ Dũ đã sốc vì chỉ đạt 2,79 điểm (cao nhất là 5 điểm). “Chúng tôi là BV hàng đầu về sản khoa, thực hiện nhiều kỹ thuật sản khoa hàng đầu, được đồng nghiệp trong nước và quốc tế tín nhiệm mà chất lượng còn không bằng một BV huyện. Nhưng từ đó chúng tôi mới nhận ra rằng, BV chỉ chú trọng làm chuyên môn mà lơ là lĩnh vực chăm sóc, hướng dẫn bệnh nhân” – bà Nhi chia sẻ.
Theo bà Nhi, với sự chỉ đạo của Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, cả BV đã đồng lòng “vượt qua nỗi đau”, tìm cách thay đổi BV. BV thành lập Hội đồng quản lý chất lượng BV bao gồm nhiều ban nhằm “cai quản” chất lượng BV về mọi mặt như Ban phác đồ thuốc - hội đồng điều trị; Ban an toàn môi trường; Ban an ninh trật tự; Ban kiểm soát sự hài lòng người bệnh… Từ các ban này mạng lưới thành viên quản lý chất lượng BV tại BV Từ Dũ đã lên đến 208 người.
Họ “nằm lòng” các nguyên tắc, quy trình thực hiện chất lượng BV để làm công tác chuyên môn thật tốt, vừa tuyên truyền, nhắc nhở nhân viên cùng thực hiện, vừa là “tai mắt” để giúp BV kiểm soát các khoa phòng, hạn chế để xảy ra sai sót khiến người bệnh không hài lòng. “Chúng tôi rất vui mừng khi sự cố gắng đã có kết quả. Năm 2014, sau khi chấm điểm, BV Từ Dũ đạt 3,56 điểm, còn năm 2015 đã đạt 4 điểm. Sự thay đổi này hoàn toàn không theo phong trào mà thực chất và bền vững” – bà Nhi vui mừng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc BV T.Ư Thái Nguyên cho biết, nâng cao chất lượng BV không phải là phong trào, làm ào ào cho xong mà là sự thay đổi bền vững, cần có nhiều thời gian để thực hiện. Ông Trung cho biết, năm 2013, BV Thái Nguyên được 2,8 điểm, đến năm 2014 mới đạt 2,89 điểm. Tự thấy BV thay đổi quá “ì ạch”, BV Thái Nguyên đã nghiêm túc đánh giá lại và yêu cầu toàn BV phải chấn chỉnh. Đến năm 2015, BV đã đạt 3,87 điểm. “Đây là đánh giá khá thực chất với điều kiện của BV. Còn có những điểm chúng tôi cần thêm thời gian để thay đổi từ từ, như cảnh quan BV, cơ sở vật chất…” – ông Trung rút kinh nghiệm.
Theo ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, muốn tạo nên “cách mạng” thay đổi thực sự trong toàn hệ thống, Sở Y tế cần quyết liệt, thúc đẩy, yêu cầu, buộc các BV thay đổi, coi đó như sự sống còn của BV. Đồng thời, Sở Y tế phải vào cuộc giúp đỡ các BV còn khó khăn, chưa để đơn độc thay đổi. Thời gian qua, Sở Y tế đã hình thành được kho dữ liệu phác đồ điều trị với 3.064 phác đồ điều trị.
Nhờ đó các BV tuyến huyện có thể “lấy” làm của riêng để điều trị cho người dân tốt hơn. Để giúp các BV không đủ nhân viên dinh dưỡng không thể xây dựng được chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho người bệnh, Sở Y tế cũng làm sẵn thực đơn giúp các BV. Cả TP.Hồ Chí Minh cũng đã có 50 kiốt khảo sát sự hài lòng của người bệnh (nếu hài lòng người bệnh chỉ cần chạm vào màn hình). “Thấy BV mình điểm kém, sự hài lòng của người bệnh thấp lập tức các giám đốc bị “kích thích”, phải quan tâm, thúc đẩy hơn nữa chất lượng BV mình” – ông Thượng cho biết.