Gặp Hưng (sinh năm 1997, sinh viên ĐH Bách Khoa HN) tại quán cà phê dành cho cộng đồng LGBT đầu tiên tại Hà Nội, phong thái đĩnh đạc, giọng trầm như giọng nam và cơ thể “trước sau như một” khiến không ai nghĩ Hưng là một cô gái “chính hiệu”.
Chàng trai bị “mắc kẹt” trong hình hài cô gái
Trên mạng xã hội và khi xưng hô, Hưng thích mọi người gọi mình với cái tên như bao bạn nam khác. Thật sự thì đây là một cái tên giả, có lẽ đó là cái tên Hưng mong muốn được sở hữu khi mình chính thức là một nam sinh chứ không phải trong hình hài hiện tại. “Thật ra như các bạn nữ khác, mình có cái tên rất nữ tính, nhưng từ khi nhận ra giới tính của bản thân, mình cũng muốn mọi người nhìn nhận mình như 1 người con trai nên mình đã thống nhất với những người quen của mình rằng sẽ gọi mình bằng cái tên mình tự đặt”.
Chỉ là một tên gọi thôi, một cái tên tưởng chừng như rất bình thường với Hưng lại có một ý nghĩa rất quan trọng. Đã rất nhiều ngày tháng, Hưng khổ sở, dày vò, thậm chí là khó chịu khi nghe mọi người gọi mình bằng cái tên nữ tính. Rồi niềm vui, niềm hạnh phúc khác lạ nhưng cũng thật giản đơn khi chỉ cần mọi người gọi Hưng bằng cái tên cậu thích.
Ngay từ khi còn nhỏ, Hưng đã thấy bản thân mình khác lạ so với các bạn nữ cùng trang lứa.
Giọng trầm ấm, Hưng chậm rãi kể: “Lúc 5, 6 tuổi mình đã cảm thấy bản thân có chút khác lạ so với những bạn nữ khác. Mình thích chơi bóng đá và các môn thể thao mạnh mẽ, mình còn thích theo các bạn nam chơi bắn bi, bắt giun dế, lớn hơn đến khi đi học cấp 1, mình thậm chí đã có tình cảm với 1 bạn nữ. Vào năm học lớp 3, mình đã bắt đầu thể hiện sự ga lăng của bản thân khi đạp xe đến nhà bạn nữ xinh nhất lớp để đèo bạn đó đi học rồi”.
Vào thời điểm đó, Hưng chưa hiểu thế nào là đồng tính, chuyển giới và cũng chưa hiểu điều đó nhận phải sự phản đối, kỳ thị đến thế nào, Hưng chỉ cảm thấy khó chịu và hơi chạnh lòng nếu có bạn cùng lớp nào trêu là bê đê, là ái, nhưng riết rồi Hưng cũng quen và coi đó là chuyện bình thường.
Những năm học cấp 2, khi cơ thể bắt đầu dậy thì, Hưng hiểu hơn về cảm xúc của bản thân. Mỗi lần soi gương, Hưng đều muốn bản thân mình trông thật nam tính. Cũng vì thế mà Hưng luôn chọn cho mình những bộ đồ nam có màu sắc đơn giản, trung tính chứ không chọn những bộ đồ điệu đà như các bạn nữ khác.
“Rồi mình lên mạng tìm hiểu về giới tính, mình nhận ra mình là một chàng trai mắc kẹt trong cơ thể 1 bạn nữ. Nhưng lạ là cảm xúc của mình lúc này không sốc hay quá bất ngờ, chỉ giống như một các tặc lưỡi “ồ, hóa ra đây mới là con người của mình”, giống như kiểu vui mừng đoàn tụ với chính bản thân vậy”, Hưng cười thật tươi kể lại.
Kỷ niệm khiến Hưng không thể nào quên đó là ngày đầu tiên, Hưng mặc đồ như nam sinh đến trường diễn văn nghệ. Khi bước lên sân khấu, tóc của Hưng đã được cắt ngắn, cùng với bộ đồ nam sinh gọn gàng, Hưng vô cùng hạnh phúc khi bước ra ngoài đường, để mọi người nhìn thấy bộ dạng này của mình. Lúc đó, Hưng không hề lo sợ mọi người sẽ nghĩ gì, bình phẩm điều gì, chỉ đọng lại trong lòng là sự vui mừng hứng khởi bởi Hưng muốn “tất cả thế giới thấy con người lần đầu được bước ra ngoài của mình” hơn lúc nào hết.
Hưng luôn diện đồ như nam giới từ khi còn là học sinh.
Bó ngực để được “màn hình phẳng” như nam giới
Đó là thói quen mỗi ngày của Hưng, cậu cho rằng việc bó ngực mỗi ngày chỉ khiến mình “khó thở” chút xíu chứ không phải là những đau đớn về thể xác mà mình phải chịu đựng.
Việc được giấu đi bộ ngực của thiếu nữ là động lực lớn để Hưng luôn muốn sống thật với con người mình và hơn nữa khiến cậu cảm thấy… đẹp trai hơn mỗi ngày.
Tất cả tâm tư đó đều không khiến Hưng có chút phiền muộn, điều Hưng luôn lo lắng nhất đó là sự kỳ thị của xã hội và những cuộc xung đột trong gia đình liên tiếp diễn ra chỉ vì người thân cho rằng Hưng là đứa con đua đòi, hư hỏng.
“Mình may mắn có bạn bè thấu hiểu và ủng hộ, nhưng xã hội thì còn nhiều kỳ thị, những ánh nhìn, những câu nói khiến không ít lần mình tổn thương sâu sắc. Còn về phía gia đình, trước khi mình come-out năm 17 tuổi, mẹ luôn nghĩ mình là đứa con đua đòi, ăn mặc lố lăng, thậm chí trong gia đình còn nổ ra những cuộc cãi vã chỉ vì cách ăn mặc của mình nữa. Những lúc đó mình im lặng, hoặc bất quá lại nói con bị bệnh, con phải mặc thế này không con chết mất. Lúc đó thật sự mình không dám nói với mẹ về con người thật, sợ mẹ sẽ sốc. Chính vì thế gia đình mình cứ căng thẳng kéo dài”.
Đó là khoảng thời gian Hưng thấy mình khổ sở, khổ sở khi ra ngoài nhận ánh mắt dò xét của xã hội, về nhà lại xung đột căng thẳng với mẹ. Đã hơn 1 lần, cậu nghĩ đến việc tự tử, chỉ muốn chết quách đi cho xong hoặc từng nghĩ mình là người bất hạnh nhất trên đời hoặc muốn thà mình mắc bệnh này, bệnh kia còn hơn bệnh… muốn chuyển giới.
Thậm chí Hưng đã bó ngực mỗi ngày để được "màn hình phẳng".
Năm 17 tuổi đánh dấu mốc quyết định khiến Hưng come-out giới tính thật của mình. Đó là một ngày như nhiều ngày khác, mẹ cậu khá gay gắt về cách ăn mặc của Hưng, và lúc đó, không thể chịu đựng nổi, Hưng đã nói mình là người chuyển giới, rằng cậu thích là con trai, cậu thích bạn nữ. “Lúc đó, mình nghĩ mẹ sẽ giận dữ lắm, sẽ đánh mắng mình nhưng mẹ lại điềm tĩnh nghe mình nói. Những ngày sau đó, mẹ rất buồn, nhưng mẹ không biểu lộ ra mặt mà cố gắng tìm hiểu qua báo đài, internet về Người chuyển giới và cộng đồng LGBT. Thỉnh thoảng chính mẹ lại nói với mình là “hôm nay mẹ đọc được bài báo về 2 người nam yêu nhau đấy, nhìn họ cũng hạnh phúc nhỉ””.
Hưng nghĩ rằng, để có được những suy nghĩ đó, hẳn mẹ đã dằn vặt rất lâu mới chấp nhận được chuyện này. Nhiều lần Hưng thấy mẹ hay buồn, hay nghĩ lại không ngủ được, Hưng cũng xót xa lắm, nhưng cậu bạn nghĩ rằng, mẹ đã quá thương con, mẹ chỉ cần con mẹ được vui là đủ động lực để mẹ vượt lên mọi định kiến của xã hội hay hàng xóm láng giềng.
Hiện tại, sau 1 thời gian dài, mẹ của Hưng hiểu hơn và tiếp cận được nhiều kiến thức về cộng đồng LGBT, 2 mẹ con thường cùng nhau đi rất nhiều hội thảo, ở đó, họ gặp gỡ những phụ huynh khác và ủng hộ những đứa con trên con đường tìm lại bản thân mình.
Làm thêm tích tiền để thay đổi hình hài
Bên cạnh thời gian rảnh sau giờ học, Hưng làm thêm tại quán cà phê dành cho cộng đồng LGBT đầu tiên tại Hà Nội. Trong 1 lần lang thang trên mạng, Hưng vô tình đọc được bài viết về quán được đăng trên diễn đàn dành cho những người trong cộng đồng và sau khi biết đó là quán cà phê của anh Trần Hải Minh – một ông chủ gay rất dễ thương, Hưng đã nghĩ đây là nơi cậu cần để thực hiện nốt con đường hoàn thiện bản thân mình.
“Mình đi làm để tích lũy kinh nghiệm và hơn nữa để tích góp tiền để có thể thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Vào tháng 11/2015, sau khi quyết định về việc cho phép người chuyển giới được thay đổi giấy tờ tùy thân thì mong muốn đó với mình càng mãnh liệt. Mình muốn được hoàn thiện về cơ thể cũng như được công nhận là 1 người nam trên giấy tờ pháp lí”.
Chính vì thế, quán cà phê của cộng đồng LGBT đối với Hưng như ngôi nhà thứ 2 của cậu vậy, ở đó, cậu cùng với những người bạn khác được sống thoải mái với giới tính của mình và hơn nữa họ thường xuyên tổ chức giao lưu gặp gỡ, các buổi off để bổ sung thêm kiến thức, cùng giúp đỡ nhau, xây dựng cộng đồng LGBT ngày càng lớn mạnh và có ích cho xã hội.
Hiện tại, vừa đi học, Hưng vừa làm phục vụ tại quán cà phê dành cho cộng đồng LGBT đầu tiên tại Hà Nội.
Hưng và anh Trần Hải Minh - chủ quán cà phê, bánh ngọt dành cho cộng đồng LGBT đầu tiên tại Hà Nội.
“Nếu một ngày, có một người bạn xa lạ biết giới tính của mình, thấy mình làm việc trong quán thì mình sẽ giải thích cho người bạn đó hiểu hơn về cộng đồng. Mình cũng như bao bạn khác đều là những con người hết sức bình thường, cũng có tình cảm tự nhiên, cũng biết điều gì là lố lăng, điều gì nên làm. Còn với bố mẹ, mình thật sự muốn gửi lời cảm ơn bố mẹ đã hiểu và chấp nhận con người của mình, đã luôn gạt bỏ mọi định kiến để bảo vệ, che chở và mong con được vui sống. Dù mình là nam hay là nữ, chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến việc mình là 1 đứa con ngoan phải không nào?”, Hưng cười thật tươi như để khẳng định điều đó.
Câu chuyện của Hưng cũng là câu chuyện về hành trình, khao khát tìm lại giới tính thực của biết bao con người trong cộng đồng LGBT. Họ đang nỗ lực từng ngày để nhận được nhiều hơn nữa những cái nhìn công bằng, đầy thiện cảm từ xã hội.