Sáng 19.8, ông Nguyễn Văn Phụng - Bí thư huyện Bình Chánh cho biết, liên quan đến quyết định cưỡng chế công trình xây dựng tại quán Xin Chào, hôm nay là "đúng hạn 3 ngày" nhưng ông đã yêu cầu tạm dừng cưỡng chế. Việc cắt điện cắt nước cũng chưa được thực hiện. "Xử lý phải đảm bảo pháp luật, và phải có lý có tình.
Vụ việc này gây xôn xao dư luận nên tôi yêu cầu báo cáo. Huyện khẳng định làm đúng, nhưng tôi chỉ đạo phải xem xét thật kỹ, nếu có xử lý thì căn cứ phải vững chắc để dân phục. Ngay như vụ này, báo chí rất quan tâm, trước khi xử lý các anh mời báo chí tới xem. Nếu ông Tấn mà có sai, báo chí sẽ lên tiếng trước, có khi địa phương chưa xử lý thì người dân đã tự điều chỉnh rồi" - ông Phụng nói Cũng theo ông Phụng, UBND huyện đã họp và có văn bản gửi UBND TPHCM để xin hướng dẫn giải quyết.
UBND huyện Bình Chánh phải xin hướng dẫn của UBND TPHCM về việc xử lý quán Xin Chào
Như Dân Việt đã đưa tin, 16.8, ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào (đối diện cổng Công an huyện Bình Chánh, TP HCM) đã nhận được quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Quyết định do ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Tân Túc ký ngày 15.8, nêu rõ ông Tấn có hành vi vi phạm: Tổ chức thi công công trình container trên đất không được phép xây dựng, mục đích sử dụng vườn.
Ông Vũ yêu cầu các đơn vị cấp điện cấp nước phải dừng ngay việc cấp điện cấp nước đối với công trình vi phạm trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng; Trưởng Công an thị trấn Tân Túc chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu và người lao động vào thi công xây dựng công trình vi phạm.
Trong thời hạn 3 ngày, ông Tấn phải tự tháo dỡ nếu không sẽ bị cưỡng chế. Quyết định này vừa ban hành thì Bí thư huyện Bình Chánh yêu cầu kiểm tra, báo cáo vì thấy chưa ổn. Theo phân tích của các luật sư, chủ tịch Vũ dẫn chiếu đến Nghị định 180/2007 và Nghị định 121/2013 để xử phạt. Trong đó, Nghị định 180/2007 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2003.
Tại thời điểm biên bản vi phạm hành chính được lập thì Luật Xây dựng 2014 đang có hiệu lực thi hành (từ 1-1-2015). Như vậy, Luật Xây dựng 2003 và Nghị định 180 hướng dẫn luật này đã hết hiệu lực. Nghị định 121/2013 thì còn hiệu lực tại thời điểm lập biên bản. Tuy nhiên, Điều 13 nghị định này (mà biên bản căn cứ vào để xử lý) thì lại quy định xử phạt việc tổ chức thi công xây dựng, tức là không có hành vi tổ chức thi công công trình khác (công trình container). Việc vẽ ra một hành vi vi phạm không có căn cứ pháp lý để áp vào xử phạt là không đúng về mặt luật.
Và theo khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất…, được xây dựng theo thiết kế… Ở đây, container đặt tạm trên đất, không được liên kết định vị với đất, không được xây dựng theo thiết kế thì không phải là công trình xây dựng.
Một biên bản áp dụng văn bản hết hiệu lực để xử lý là một biên bản bất hợp pháp.
Về quyết định đình chỉ thi công:
Thứ nhất, quyết định này căn cứ vào Nghị định 180/2007 (hướng dẫn Luật Xây dựng 2003) đã hết hiệu lực như phân tích trên.
Thứ hai, quyết định này căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính bất hợp pháp (bởi viện dẫn văn bản hết hiệu lực và đưa khái niệm trái luật nội dung). Từ đó cho thấy quyết định này cũng bất hợp pháp.
Mặt khác, Nghị định 166/2013 không có quy định ngưng cung cấp điện, nước đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nên việc yêu cầu dừng cấp điện, nước với ông Tấn cũng là sai.