Đó là những con số được Bộ Công an thống kê và đưa ra tại cuộc tọa đàm về biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số do Đoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Hội NDVN vừa tổ chức.
Các luật sư tư vấn pháp luật cho bà con nông dân. |
Mơ hồ về pháp luật
Tình hình tội phạm, làm mất trật tự, an ninh nông thôn có nguyên nhân từ uống rượu, bia, đánh cờ bạc, vay mượn tiền, vật tư và tranh chấp trong dịch vụ kinh doanh có chiều hướng gia tăng trong đối tượng nông dân trẻ (độ tuổi từ 28 - 35). Theo nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó có một phần do công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa làm tốt khi họ đang ở khoảng trống: Tuổi thanh niên đã hết, Hội Nông dân chưa vào.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Trung tâm CNTTTT - Văn phòng T.Ư Hội NDVN) cho biết: “Qua khảo sát tại một số huyện miền núi phía bắc, điều dễ nhận thấy là kiến thức pháp luật của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Do địa hình chia cắt, cho nên khó xây dựng hệ thống loa truyền thanh công cộng về các thôn, bản. Nhiều phong tục, tập quán không phù hợp pháp luật vẫn còn tồn tại. Người dân còn quá mơ hồ về các quy định của pháp luật hiện hành”.
Còn theo ông Hoàng Tùng (Ban Dân tộc, Tôn giáo, An ninh Quốc phòng - Hội NDVN) phần lớn thanh niên nông thôn đặc biệt là thanh niên vùng dân tộc thiểu số do chưa có đầy đủ hiểu biết nên đã mắc các tệ nạn xã hội. Một bộ phận khác đến các đô thị, khu công nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm và trở về với những thói hư tật xấu, làm ảnh hưởng đến trật tự địa phương.
Đưa vào sinh hoạt định kỳ
Để hạn chế thực trạng trên, Đoàn TNCQ T.Ư Hội NDVN đã đưa ra nhiều sáng kiến, trong đó mỗi phòng, ban đều có những “kế sách” đặc biệt nhằm đưa việc phổ biến pháp luật trở thành nòng cốt trong hoạt động của thanh niên nông thôn.
Ông Vũ Duy Hưng (Ban Xã hội, dân số và gia đình) cho biết: “Hàng năm Ban Xã hội, dân số và gia đình đã phối hợp với Văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma tuý Bộ Công an tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho 5.000 nông dân nhận thức rõ tác hại của ma tuý, chủ trương chính sách của Nhà nước về phòng chống ma tuý, phối hợp với cơ quan báo chí đưa tin, bài, hình ảnh về công tác tuyên truyền phòng chống ma tuý, phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐTBXH in và phát hành tờ rơi, sách, tranh ảnh tuyên truyền... Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, cần đưa nội dung tuyên truyền hiểu biết pháp luật vào sinh hoạt định kỳ của thanh niên nông thôn mới có hiệu quả nhiều hơn”.
Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo thì khẳng định: “Cần tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hoá các hình thức giáo dục pháp luật cho thanh niên nông thôn như: Thường xuyên có các buổi nói chuyện pháp luật, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt ngoại khoá... để thu hút thanh niên tham gia”.
Ngoài ra, theo ông Tô Tuấn Đạt (Trung tâm Tư vấn pháp luật nông dân): “Cần phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc trợ giúp pháp lý cho thanh thiếu niên. Đặc biệt, người bào chữa, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em thuộc diện người được trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn”.
Tùng Anh