Ông Nguyễn Duy ở ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho biết có 5 ha cà phê đang chín rộ nhưng vẫn chưa thể thu hoạch do thiếu người làm. Trước đó một tháng, ông đã tiến hành tìm người làm công nhưng chỉ được 4 người. Những nhân công năm trước thì đã nhận lời làm cho chủ vườn khác. “Vườn 5 ha này, tôi cần ít nhất 20 người mới hái kịp, bây giờ vẫn còn thiếu 15 người nữa” - ông Duy than thở.
Người hái cà phê có thu nhập đến 200.000 đồng/ngày. |
May mắn hơn ông Duy, gia đình anh Nguyễn Văn Quang đã thuê đủ nhân công hái cà phê. Tuy nhiên, giá một ngày công lao động đã tăng cao hơn năm ngoái từ 50.000 – 60.000 đồng. Nếu năm ngoái, anh Quang chỉ phải trả 150.000 đồng/ngày thì nay phải tăng lên 200.000 đồng/ngày, bao luôn cơm 3 bữa. “Giá công cao hơn nhưng hết ngày còn phải lo thêm vài chai rượu giải mỏi để giữ chân người làm. Nếu mình đối xử không chu đáo, họ bỏ sang vườn khác làm thì còn khổ hơn nhiều” - anh Quang lo lắng nói.
Anh Nguyễn Văn Quang
Nhiều chủ vườn cho biết tình trạng thiếu lao động khi vào vụ thu hoạch cà phê đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có năm nào thiếu hụt như bây giờ. Vụ thu hoạch đã diễn ra gần một tháng nhưng các chủ vườn tại huyện Thống Nhất, Tân Phú, thị xã Long Khánh vẫn chạy đôn, chạy đáo để tìm nhân công.
Bà Nguyễn Thị Rở - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thống Nhất nhận định tình trạng thiếu nhân công hái cà phê một phần do các chủ vườn không chủ động được việc thuê người làm mà phụ thuộc vào “cò” lao động. Lực lượng “cò” khá đông đảo, họ đi săn lùng nhân công rồi giới thiệu để hưởng phần trăm. Tuy nhiên, một người có thể được giới thiệu cho nhiều vườn để hưởng phần trăm nhưng khi vào vụ thu hoạch lại lặn mất tăm.
Theo bà Rở do đặc thù chỉ là việc làm thời vụ nên chủ vườn không thể ký hợp đồng lao động dài hạn. Tình trạng khan hiếm nhân công sẽ tiếp diễn nghiêm trọng trong những năm tới nếu chủ vườn không chủ động được nguồn cung.
Đình Thức