Dân Việt

Lãng phí hàng tỷ đồng vì máy xét nghiệm “đắp chiếu” là do đâu?

Diệu Linh 21/08/2016 17:26 GMT+7
Về việc hàng loạt máy X-quang ở các cơ sở y tế ở Quảng Ngãi “đắp chiếu” gây lãng phí hàng tỷ đồng, ngày 21.8, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, các cơ sở có máy nhưng lại thiếu nhân lực đạt chuẩn nên BHXH đã từ chối thanh toán, dẫn đến việc máy móc “ế ẩm”.

Ông Sơn cho hay, theo quy định của Bộ Y tế, nhân viên y tế đọc kết quả xét nghiệm, X-quang, siêu âm… phải là bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề, và muốn được cấp chứng chỉ hành nghề thì phải có ít nhất 5 năm hành nghề trở lên. Ngoài ra, kỹ thuật viên vận hành máy phải là cử nhân được đào tạo chuyên môn.

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tuyến xã, huyện được trang bị nhiều máy xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm, điện tim… nhưng lại thiếu người đủ các điều kiện như Bộ Y tế quy định. Do đó, nếu người vận hành máy không đúng chuẩn, hoặc người đọc kết quả xét nghiệm không phải là bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề ký thì khi thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH sẽ từ chối chi trả.

img

Máy xét nghiệm phải được nhân viên y tế đảm bảo yêu cầu vận hành. Siêu âm tại BV K T.

Trước đó, nhiều cơ sở y tế huyện ở tỉnh Quảng Ngãi đã lên tiếng về việc các máy X-quang được đầu tư tại huyện đang phải “đắp chiếu”. Cụ thể, năm 2013, Trung tâm y tế huyện Trà Bồng được đầu tư máy chụp X-quang theo dự án hỗ trợ vùng y tế duyên hải Nam Trung bộ đầu tư với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ban đầu máy được vận hành đều nhưng cuối năm 2015 thì phải ngưng hoạt động vì không có cán bộ chụp X-quang có bằng cử nhân. Tương tự, trung tâm y tế huyện Tây Trà được đầu tư máy X-quang nhưng không có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh nên kỹ thuật này do y sỹ đảm nhận.

Ông Bùi Quang Danh – Phó Giám đốc BHXH Quảng Ngãi cho biết, tại một số cơ sở y tế việc thực hiện chẩn đoán hình ảnh như X-quang, MRI, CT-Scanner… lại không do bác sĩ chuyên khoa X-quang có chứng chỉ hành nghề đọc và kết luận, kết quả xét nghiệm không được trưởng khoa xét nghiệm là bác sĩ hoặc cử nhân sinh học, cử nhân hoá học hoặc dược sỹ, kỹ thuật viên xét nghiệm (tốt nghiệp CĐ, ĐH) có chứng chứng chỉ hành nghề ký duyệt.

Theo ông Sơn, việc lãng phí này đã diễn ra từ năm 2014, nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… đã từng phản ánh. Nhiều địa phương đã phải “treo máy” vì không đủ nhân lực đảm bảo đủ điều kiện. Trước tình hình đó, tháng 6.2016, Bộ Y tế cũng có công văn 3356 hướng dẫn khi thanh toán BHYT liên quan đến đọc và ký kết luận cận lâm sàng. Theo đó, đối với các cơ sở chưa có nhân lực đạt chuẩn, Sở Y tế phải điều động bác sĩ từ tuyến trên về để thẩm định và ký xác nhận vào các xét nghiệm, chụp X-quang hợp lý, đúng quy trình để làm cơ sở thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Như vậy, việc Bộ Y tế yêu cầu “hậu kiểm” các kết quả xét nghiệm, X-quang nói trên chỉ có tác dụng “đối phó” thanh toán BHYT chứ khó lòng đảm bảo chất lượng của các xét nghiệm, X-quang khi các xét nghiệm này không được cán bộ y tế có tay nghề, được đào tạo bài bản thực hiện.

Ông Sơn cho biết, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng, bác sỹ ký các kết quả xét nghiệm, X-quang chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung thẩm định nêu trên. Do đó, không ít bác sĩ đã từ chối ký vào kết quả vì không chắc là kết quả có thực chính xác hay không. Cũng để hợp thức hoá các chứng từ này để thanh toán BHYT, một bác sĩ tại Cầu Giấy (Hà Nội) đã phải chạy xô để đi ký các kết quả xét nghiệm tại các trạm y tế xã. Tuy nhiên, các kết quả này cũng bị BHXH từ chối thanh toán do không có quy định bác sĩ bệnh viện này có thể ký kết quả ở cơ sở y tế khác.

“Việc đầu tư máy móc cần đồng bộ từ phòng ốc, cán bộ chứ không thể chỉ mua “bò” mà lại không có “chuồng”, không có người “chăn dắt” tin cậy được. Nếu không, câu chuyện lãng phí này sẽ còn tiếp diễn lâu dài” – ông Sơn nhận định.