Ảnh chụp vệ tinh từ tháng 7.2015.
Hồi tháng 2 năm nay, người dân đất nước Djibouti bé nhỏ chợt nhận ra sự xuất hiện của quân lính Trung Quốc gần căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất ở châu Phi. Tàu hải quân Trung Quốc đã nhiều lần ghé thăm quốc gia Đông Phi này và mang theo nhiều nhu yếu phẩm tới khu cảng cũ Pháp đóng quân trước đây. Trung Quốc cũng tham gia vào chiến dịch chống cướp biển và tuần tra ngoài khơi Somalia.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc không chỉ tới đây và mang theo hàng hóa. Công trình xây dựng khổng lồ đang dựng lên ở Djibouti và khu cảng đồ sộ bắt đầu thành hình.
Dự án rộng 36 km2 được cho là địa điểm quân sự đầu tiên mà Bắc Kinh xây dựng ở nước ngoài. Đây được xem là bước đi lịch sử của chính quyền Trung Quốc nhằm thể hiện mong ước trở thành một siêu cường hàng hải.
Dự kiến khu cảng này sẽ hoàn thành vào năm sau và trở thành địa điểm chứa vũ khí, tàu chiến, cơ sở sửa chữa máy bay và tàu ngầm Trung Quốc. Ngoài ra, báo Fox News của Mỹ khẳng định lực lượng đặc nhiệm cũng có mặt.
Những khu nhà bê tông kiên cố, cầu cảng gắn cờ Trung Quốc cho thấy dấu hiệu rõ ràng nhất của chiến lược mở rộng quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương.
Khi xây dựng tiền đồn ở nước ngoài, Trung Quốc thay đổi vị thế từ một quốc gia đơn độc sang một cường quốc biển thế giới. Đây là động thái thách thức hợp tác an ninh châu Âu có từ năm 1945.
Sau một năm, diện mạo ở Djibouti đã thay đổi hoàn toàn.
Hiện nay chỉ có vài quốc gia sở hữu căn cứ quân sự ngoài biên giới. Mỹ là nước có nhiều căn cứ nhất với 42 địa điểm toàn cầu. Anh, Pháp, Nga mỗi nước có khoảng chục tiền đồn.
Dù quan chức Trung Quốc phủ nhận kế hoạch xây dựng căn cứ theo kiểu cách Mỹ và gọi tiền đồn ở Djibouti chỉ là “cơ sở hỗ trợ”, nước này đang mong muốn đàm phán với những quốc gia khác nhằm đặt thêm địa điểm quân sự.
“Đẩy mạnh xây dựng căn cứ ở nước ngoài” là một trong những ưu tiên chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo lời đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu quân đội Trung Quốc và tương lai sẽ là chỉ huy lực lượng hải quân nước này.