Dân Việt

Tìm nguồn lực phát triển giao thông và hệ thống logistics ĐBSCL

Thành Chung 22/08/2016 14:41 GMT+7
Sáng nay (22/8), tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì.

Đây là một trong những hội nghị lớn của vùng nhằm thực hiện Kết luận số 196/TB-VPCP ngày 26/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo.

Trong những năm qua, mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ về phát triển giao thông vận tải nhưng so với tình hình chung của cả nước thì kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn kém phát triển, vấn đề liên kết vùng chưa được chú trọng khi công tác đầu tư các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế.

Tình hình đầu tư cũng như thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu, chưa tạo sự đột phá và chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa, đường biển là thế mạnh của vùng, dẫn đến tình trạng tốc độ tăng trưởng của vận tải thủy nội địa, vận tải biển có xu hướng giảm so với vận tải đường bộ.

Đây là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng, khiến cho sự tăng trưởng của khu vực luôn dưới tiềm năng. Do vậy, việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016-2020 nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch nhằm lựa chọn được các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng là vô cùng cần thiết, giúp giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.

Theo Bộ Giao thông vận tải, giao thông thủy của vùng chiếm tới 70% chiều dài đường thủy của cả nước nhưng giá trị khai thác thì rất thấp, cần phải phát triển hệ thống này kết hợp với logistics, nhất là việc kết nối vận chuyển hàng hóa sang Campuchia, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về hải quan, thông quan.

Đối với vận tải biển, 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải thực hiện thông qua TPHCM hoặc khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, việc hoàn thiện dự án luồng vào cảng trên sông Hậu, nâng cấp cảng Cái Cui, nâng cấp đồng bộ hệ thống cảng và luồng tàu sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng. Ngoài ra, cần xem xét xây dựng cảng biển tại đảo Hòn Khoai, Cà Mau - là giải pháp cảng nước sâu duy nhất cho đồng bằng này.

Giao thông bộ theo các trục ngang và dọc cũng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của toàn vùng nhưng cần tới 75.000 tỷ đồng trong 5 năm tới. Đường hàng không cũng cần phải tính toán cho giai đoạn sau năm 2020 đi liền với việc tăng cường đầu tư, phát triển các dịch vụ, du lịch, lưu trú. Bộ Giao thông vận tải cũng đặt ra việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nối TPHCM tới Cần Thơ để gia tăng việc vận chuyển hàng hóa.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Hội nghị này cũng đặt ra phương thức đầu tư giao thông vận tải và logistics cho vùng. Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông đang mất cân đối khi 80-90% nguồn lực đầu tư tập trung cho đường bộ, hàng không chỉ chiếm 1% và còn lại là dành cho đường thủy. Nguồn vốn nhà nước đầu tư vào giao thông trong vùng thì 70-80% sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT chỉ chiếm 16%. Tuy nhiên, do đặc thù về tự nhiên, xã hội của vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đầu tư vào ĐBSCL thì nguồn lực ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn vay vẫn là chủ đạo nhưng cần tăng cường tỉ lệ BOT lên để đáp ứng được nhu cầu của vùng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư hiến kế về các cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển hạ tầng của khu vực.

Sau Hội nghị này, các cơ quan sẽ trình tới Chính phủ kế hoạch và giải pháp phát triển giao thông và dịch vụ logistics toàn vùng để Chính phủ bố trí nguồn lực vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trên toàn vùng ĐBSCL, đường bộ hiện có 4.718,8 km quốc lộ, 2.030,41 km đường tỉnh, 72.851,8 km đường huyện và giao thông nông thôn, bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, an toàn. Về đường thuỷ nội địa, với trên 13.000 km đường thủy (trong đó khoảng 7.000 km đã được đưa vào cấp quản lý) được phân bổ đồng đều trên toàn vùng là lợi thế lớn về khai thác vận tải đường thủy nội địa, tuy nhiên vẫn chưa phát huy được.

Về đường biển, hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp, các tuyến vận tải sông pha biển cũng chưa được quan tâm phát triển, chưa hình thành các tuyến vận tải sông pha biển, do đó ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác vận tải đường biển.

Về hàng không, hiện có 2 cảng quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay Rạch Giá, Cà Mau với năng lực khai thác 5,05 triệu lượt hành khách, đáp ứng được nhu cầu vận tải đến sau năm 2020.

Giai đoạn từ năm 2010-2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 4.657,23 triệu lượt khách và 468,25 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 4,4%/năm đối với hành khách và 4,9%/năm đối với hàng hoá.

Theo kế hoạch đầu tư trung hạn kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL được Bộ CTGT trình tại hội nghị, giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư hơn 91.000 tỉ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước hơn 28.000 tỉ, còn lại là vốn ODA và xã hội hóa) cho các dự án hạ tầng giao thông và logistic trên địa bàn. Cụ thể, lĩnh vực đường bộ sẽ có 39 dự án với tổng vốn 75.000 tỉ đồng (ngân sách Nhà nước 24.900 tỉ, vốn xã hội hóa hơn 12.800 tỉ, vốn ODA 23.600 tỉ); đường biển 22 dự án khoảng 18.000 tỉ đồng; đường thủy nội địa 14 dự án, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ và đường hàng không hơn 1.700 tỉ đồng.