Dân Việt

Sự thật về Trung tâm cứu nạn không cử tàu đi cứu ngư dân gặp nạn

Khánh Hồng 22/08/2016 16:09 GMT+7
Đại diện Nghiệp đoàn Nghề cá cho rằng, Trung tâm 2 không điều tàu đi ứng cứu ngư dân gặp nạn. Trong khi đó Trung tâm 2 cho biết, do hải trình ra Hoàng Sa xa, ngư dân lại bị thương nặng nên đã báo cáo lên cấp trên để có phương án nhanh nhất chứ tàu SAR không thể ra kịp.

Như Dân trí đã đưa tin, tối ngày 20/8, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng nhận được thông tin trực tiếp từ tàu cá QNg 96569 TS thông báo, trong lúc đang lao động trên biển, bình gas trên tàu cá QNg 96569 TS phát nổ khiến 2 ngư dân bị thương nặng. Thời điểm báo nạn, tàu hoạt động ở vị trí có tọa độ 15-50N 114-12E.

Hai ngư dân bị thương là anh Nguyễn Văn Lượng (42 tuổi, thuyền trưởng) và anh Lê Văn Khuân (40 tuổi, thuyền viên), cả hai ngư dân đều bị thương nặng, mất nhiều máu, hôn mê sâu.

img

Một vụ nổ bình ga trên tàu cá

Sáng 22/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quốc Chinh, Ủy viên Ban Thường vụ Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) bức xúc cho biết, vào lúc 18h ngày 20/8, ông có điện báo Trung tâm phối hợp và tìm kiếm cứu nạn hàng hải 2 đóng tại Đà Nẵng (Trung tâm 2), đề nghị Trung tâm điều tàu đi cứu người.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm 2 nói sẽ đề nghị với Chính phủ. Đến 23h cùng ngày, Trung tâm 2 báo lại là tàu không thể ra được vì khoảng cách ra Hoàng Sa là 350 hải lý. Do mất quá nhiều máu nên ngư dân Trần Văn Lượng đã tử vong.

“Trung tâm 2 là đơn vị đi cứu nạn ngư dân để ngư dân bám biển. Giờ ngư dân ai dám ra Hoàng Sa? Chờ có kết luận chúng tôi sẽ làm việc với Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về việc này”, ông Chinh bức xúc.

Cũng theo ông Chinh, hiện thuyền viên Khuân bị thương và thi thể ngư dân Lượng đã được đưa vào đảo Lý Sơn.

Sáng cùng ngày, trao đổi với PV, ông Bùi Tấn Nguyên – Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cho biết, sau khi nhận được thông tin, Trung tâm có báo lên Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan cấp trên để có phương án nhanh nhất hoặc nhờ sự hỗ trợ từ các nước. Vì khoảng cách ra đó là khá xa, 350 hải lý, mà tốc độ của tàu cứu nạn nếu ra cũng không thể cứu được (tàu đi phải 15 tiếng đồng hồ).

“Khoảng cách ra đến đó là 350 hải lý, còn tàu SAR chỉ chạy được 275, quay về là 550 hải lý, nó vượt khả năng của tàu nên phải báo cấp trên”, ông Nguyên giải thích.

Theo ông Nguyên, sau đó tàu QNg 96569 TS báo lại là ngư dân đó đã tử vong trong thời gian ngắn. Với trường hợp nặng như thế thì chỉ có máy bay hoặc lực lượng tại chỗ mới ứng cứu kịp thời được.

Ông Nguyên cũng cho biết, từ trước tới giờ, trường hợp nào Trung tâm cũng sẵn sàn điều tàu tham gia cứu nạn chứ không có chuyện không đi.

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, ngay sau nhận được thông tin, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) thông báo và đề nghị Trung Quốc chỉ đạo cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các ngư dân tàu cá trên được vào đảo gần nhất để được cấp cứu. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thông báo, đề nghị cơ quan tìm kiếm cứu nạn trên biển Trung Quốc giúp đỡ cấp cứu các nạn nhân; giữ liên lạc để tư vấn đề y tế, sẵn sàng điều tàu ra đưa nạn nhân vào bờ khi có yêu cầu.

Tuy nhiên, đến khoảng 6 giờ 30 ngày 21/8, chủ tàu thông báo thuyền trưởng Nguyễn Văn Lượng đã tử vong trong đêm, nạn nhân còn lại không nguy hiểm tính mạng; tàu đang chạy về đảo Lý Sơn và không đề nghị cứu nạn.